Thanh-Mai cười nhạt:
Ta biết tên thực của mi là Đặng Trường. Mi vốn người họ Trần nhà ta, gốc gác
sinh trong trang Thiên-trường này. Lúc mi ra đời đúng lúc loạn Thập-nhị sứ quân.
Mi vốn có nhiệt tâm với Đại-việt, lớn lên mi lập chí cứu nước, theo Nhật-Hồ lão
nhân, đem Hồng-thiết giáo truyền vào Đại-việt.
Lão Việt nghe Thanh-Mai nói, y kinh hoảng:
Có lẽ con nha đầu nói thực, chứ không sai. Nhưng tại sao bố nó biết ta ẩn thân ở
đây, mà không đề phòng gì cả?
Nguyên hôm ở toà tổng trấn Trường-yên, Thanh-Mai được trình bầy đầy đủ lý lịch
mười trưởng lão Hồng-thiết giáo. Trong đó ghi rõ, Đặng Trường hiện ẩn náu ở vùng
Thiên-trường. Y học được võ công Đông-a. Vừa rồi nàng thấy lão Việt xử dụng võ
công Đông-a, nên đoán già. Không ngờ lại đúng.
Đặng Trường đánh ra liền ba chưởng, gió lộng ào ào, hơi tanh bốc nồng nặc, nhiều
người muốn buồn nôn. Trần Kiệt võ công cực cao, chưởng lực hùng hậu. Mỗi chiêu
ông đánh, khiến cho Đặng Trường gần nghẹt thở. Đúng ra với bản lĩnh của y, chỉ
cần mấy chiêu, ông khống chế y dễ dàng. Ngặt vì y dùng độc chưởng. Ông không dám
cho hai chưởng chạm nhau.
Tự-An kinh ngạc vô cùng, vì những chiêu thức lão Việt đánh ra, đều thuộc võ công
Đông-a, nhưng pha lẫn độc chưởng.
Đấu được hơn hai mươi chiêu nữa, Đặng Trường bị đẩy lui tới sát chân tường. Hơi
thở y dồn dập. Mỗi chiêu Trần Kiệt tấn công, y phải nghiến răng mới đỡ nổi. Trần
Kiệt đẩy liền ba chưởng như sóng vỗ vào người y. Y đỡ chưởng thứ nhất, người lảo
đảo, lưng y chạm vào tường. Đến chiêu thứ hai, thứ ba. Y nghiến răng đưa hai tay
lên trời đỡ. Binh, binh. Y ngã ngửa xuống. Trần Kiệt chụp ngực y liệng ra giữa
nhà. Y nằm bất động, miệng ri rỉ chảy máu.
Trần Kiệt nhìn mụ Phương hỏi Tự-An:
Đại ca. Việc này để anh giải quyết.
Tự-An thở dài:
Chúng ta thuộc giới hào kiệt, học võ để bảo vệ đất nước. Tuy vậy mụ này đã làm
vợ ta. Luật lệ không cho ta giết vợ. Vậy hãy đưa mụ lên quan nha, để nơi này xét
xử. Cả tên Đặng Trường cũng vậy.
Đúng ra với địa vị của Trần Tự-An, ngay cả hoàng đế đương thời cũng phải nể vì.
Một tay ông đã giết chết không biết bao nhiêu cường hào, ác bá cùng trộm cướp.
Tuy vậy, ông cũng như tất cả danh sĩ thời bấy giờ, có cùng một quan điểm: Phải
thượng tôn luật pháp.
Nguyên, người Việt bị đô hộ từ sau thời vua Trưng cho tới thời Ngô Quyền, gần
một ngàn năm, mới dựng lại được nền tự trị. Tiếp theo bị cái nạn mười hai sứ
quân. Vua Đinh dẹp sứ quân chưa được bao lâu thì băng hà. Ngôi vua về Lê Hòan.
Võ lâm không phục Lê, nhưng trước hoàn cảnh đất nước lại sắp bị người Tống cai
trị. Vạn-Hạnh thiền sư đứng ra triệu tập Anh hùng đại hội tại chùa Tiêu-Sơn, nêu
cao chính nghĩa, cứ tạm thời giúp Lê đánh Tống, rồi bắt Lê phải thi hành một
chính sách thương yêu dân. Các đại tôn sư võ học cùng thề với nhau rằng, dù
triều đình nào của người Việt cai trị, mọi người cũng phải tuân theo luật nước.
Chính vì vậy mà Tịnh-Huyền, Huệ-Sinh bị một viên quan nhỏ bé bắt giam, hai người
cũng để cho họ giam, chờ đem xử.
Bây giờ, rõ ràng mụ vợ gian manh, đanh ác, thêm người đầy tớ phản bội. Đúng ra
Tự-An cho mỗi người một kiếm, như vậy thực giản dị. Nhưng ông muốn chứng tỏ rằng
mình thuộc người thượng tôn luật pháp, nên giao vợ cũng như tên nô bộc cho quan
huyện địa phương.
Ông quay lại bảo Thanh-Mai:
Việc dơ bẩn này, bố không thể dính dáng vào. Chú Kiệt của con, thân phận cao qúi
biết dường nào, càng không nên động đến. Vậy con hãy thẩm vấn chúng xem, chúng
mưu đồ gì khi ẩn thân trong trang của ta.
Nói rồi ông hướng vào các sư đệ, đệ tử:
Chúng ta tạm giải tán.
Đợi cho bố với các sư thúc ra rồi, Thanh-Mai nói với Mỹ-Linh:
Sư muội. Chị tuy lớn vai hơn em, nhưng chưa chính thức. Em là công chúa, em có
thể truyền lệnh cho quan nha. Em lo dùm chị.
Mỹ-Linh biết Thanh-Mai khó có thể thẩm vấn mụ Phương. Trong trường hợp này, nàng
phải ra tay. Nàng cầm bút viết mấy chữ, rồi trao cho một tráng đinh:
Sư huynh. Tôi nhờ sư huynh mang đùm thư này cho quan huyện Thiên-trường. Xin sư
huynh lên đường ngay.
Tráng đinh vâng dạ, lấy ngựa lên đường.
Từ trang Thiên-trường, tới huyện nha không xa. Tráng đinh đi một lát, trở về
cùng với một trung niên nam tử, trong sắc phục huyện lệnh. Viên huyện lệnh từng
về phủ Khai-quốc vương họp nhiều lần. Y đã biết công chúa Bình-dương con
Khai-thiên vương, được chú là Khai-quốc vương nuôi, yêu thương, sủng ái cực kỳ.
Y quỳ gối hành lễ:
Tiểu nhân Trần Thông, huyện lệnh Thiên-trường xin tham kiến công chúa điện hạ.
Mỹ-Linh để cho Trần Thông hành lễ xong, nàng truyền lệnh:
Đêm khuya, tôi có việc trao cho huyện lệnh. Vì đây thuộc nhiệm sở của người.
Nàng tóm lược sơ sài vụ Đặng Trường với mụ Trần-thị Phương cho Trần Thông nghe,
rồi nói:
Tôi xin được ngồi dự thính huyện lệnh xử vụ này.
Trần Thông vâng dạ. Y nói với Thanh-Mai:
Nhân danh Đại-Việt hoàng đế. Nhân danh Khai-quốc vương, bản chức tuyên mượn
Thủy-các này làm công đường. Tất cả những người có mặt đều là nhân chứng.
Trần Thông khoan thai thẩm vấn Đặng Trường, cùng Trần-thị-Phương. Bằng một phương
pháp tỷ mỷ, ông phanh ra tất cả những bí mật bao trùm trong trang Thiên-trường
bấy lâu.
Đặng Trường nguyên xuất thân con nhà danh gia trong phủ. Bố mẹ họ Trần. So gia
phả, y ngang vai với Trần Tự-An. Thủa nhỏ y học rất giỏi, lại có chút lòng son
với đất nước. Y vốn nghe tiếng Nhật-Hồ lão nhân là đệ tử của giáo-chủ Hồng-thiết
bên Tây-dương Xích Trà-Luyện. Vì vậy y hằng ước ao bái kiến lão làm sư phụ.
Duyên may dun dủi, y được gặp lão. Lão thu nạp y làm đệ tử. Y bỏ nhà, trốn theo
lão phiêu bạt sang Trung-nguyên. Trong thời gian ở Trung-nguyên, y được gần Đông-Nhật
lão nhân. Giữa sư thúc, sư điệt rất tương đắc.
Nhật-Hồ lão nhân rời Trung-nguyên về Đại-Việt, mong bành trướng thế lực. Đặng
Trường được sư phụ mang theo cùng với Vũ Nhất-Trụ, Phạm Trạch. Lúc bốn thầy trò
về đến nơi, gặp đúng lúc thịnh thời Ngô vương. Ngô vương qua đời, loạn Thập-nhị
sứ quân nổi lên. Trong nước cực kỳ hỗn loạn. Vì vậy thầy trò Nhật-Hồ lão nhân
gặp thời.
Lão mang lý thuyết Hồng-thiết kinh ra giảng cho dân chúng: Không vua, chẳng
chúa. Thần, thánh, tiên Phật đều láo hết. Trên đời chỉ có thánh Mã Mặc, Lệ Anh.
Của cải trong thiên hạ thuộc mọi người.
Dân chúng theo Hồng-thiết giáo rất đông. Bốn trong mười hai sứ quân, theo
Hồng-thiết giáo. Nhật-Hồ lão nhân được tôn như bậc thánh. Sau vua Đinh diệt các
sứ quân. Hồng-thiết giáo bị truy lùng rất gắt.
Hơn hai mươi năm trước, Nhật-Hồ lão nhân qua đời. Đệ tử của lão là bọn Vũ Nhất-Trụ,
Lê Ba truyền xây lăng cho lão. Chúng phao rằng lão rất linh thiêng, song ai cũng
coi lão như ma như quỷ. Từ đấy không ai biết mười đệ tử của lão ra sao.
Khi Thuận-thiên hoàng đế lên ngôi (1010) ban chỉ ân xá. Hồng-thiết giáo lại tái
hoạt động, song các trưởng lão vẫn khi ẩn khi hiện.
Vì trước kia, Hồng-thiết giáo chủ trương tiêu diệt tất cản các tôn giáo khác.
Chỉ Hồng-thiết giáo mới được coi là chính thống. Phật-giáo chủ trương tự giải
thoát, giúp người giải thoát. Thì Hồng-thiết giáo chủ trương cần phải đoạt lấy
ngôi vua, cai trị thiên hạ. Giáo chúng chỉ tôn thờ hai thánh Mã Mặc, Lệ Anh, tôn
trọng chức sắc trong giáo, mà không biết đến trời, Phật, bố mẹ, họ hàng. Cho nên
giáo chúng bị Phật, Nho, Lão coi như tà ma ngoại đạo. Tuy vậy Hồng-thiết giáo
nêu cao ngọn cờ yêu nước, nên cũng có nhiều người theo.
Từ ngày ấy, Hồng thiết giáo bí mật bành trướng. Còn các trưởng lão, ngay Khu-mật
viện cũng mờ mịt về hành tung của họ. Võ lâm bí mật quật mồ Nhật-Hồ lão nhân
lên, thì trong quan tài chỉ thấy khúc gỗ. Vì vậy có người bảo lão còn sống, ẩn
thân đâu đó. Có người nói lão ta hiện ẩn thân trên rừng tu tiên. Có người bảo
lão ta chết rồi. Không ngờ hôm nay, một trong mười đại đệ tử của lão ta tên Đặng
Trường ẩn thân trong lớp áo gia nhân của đại hiệp Trần Tự-An, bị lộ tung tích.
Đặng Trường khai, sư phụ y qui tiên. Hồng-thiết giáo giao cho y ẩn thân trong
phái Đông-a trước hết để biết rõ hành tung của phái này. Sau đó dùng độc dược
khống chế những người có nhiều thế lực trong phái, rồi một ngày kia, chiếm lấy
chức chưởng môn. Trước đây y bịt mặt, giả làm thích khách, xử dụng Chu-sa độc
chưởng khống chế thân mẫu Thanh-Mai. Không ngờ bà một lòng, một dạ với chồng với
con, thà chịu chết, chứ không chịu nghe lệnh y. Vì vậy bà chết trong đau thương
cực kỳ thảm khốc.
Khi mụ Trần-thị-Phương vừa về nhà chồng, bị y kiềm chế. Mụ líu ríu tuân theo.
Không những mụ không chống đối, mà còn lấy làm khoan khoái, khi gây ra những vụ
xáo trộn trong gia đình Tự-An. Mấy hôm trước đây, y nhận được lệnh khẩn cấp của
hội đồng giáo vụ trung ương, bằng mọi cách phải giết chết Tự-Mai với Tôn Đản, vì
hai người đã luyện Vô-nhân tướng thần công, có thể giải Nhật-hồ độc chưởng. Còn
đối với bọn Thanh-Mai, Mỹ-Linh, cần khống chế bằng độc dược. Y vội bỏ thuốc độc
thi hành. Không ngờ bị Đỗ Lệ-Thanh khám phá ra. Thấy vậy, y truyền cho mụ Phương
giết Tự-Mai với Tôn Đản bằng phương pháp tẩm thuốc độc vào nhẫn, rồi tát nó. Một
lần nữa, bị bại lộ.
Theo lời y khai, trong phái Đông-a có đến hơn mười đệ tử bị khống chế bằng độc
chưởng. Tuy vậy những đệ tử đó địa vị không cao cho lắm.
Trần Thông truyền bắt tất cả đem về huyện đường. Y kính cẩn nói với Thanh-Mai:
Khải tấu vương phi. Tên Đặng Trường này rất quan trọng đến vận mệnh xã tắc, tiểu
nhân phải khẩn cấp giải y về Thăng-long, giao cho Khu-mật viện. Còn mụ
Trần-thị-Phương, chẳng qua bị khống chế, tội cũng không đến nỗi nặng. Y thị chỉ
phạm tội lỗi đạo vợ chồng, cần đưa về xã cho hành hình.
Thanh-Mai gật đầu:
Điều cần nhất, phải tra xét xem ai đã hại vương phi Khai-thiên vương với phu
nhân của Hồng-Sơn đại phu.
Trần Thông lại thẩm vấn Đặng Trường. Y nói:
Người hãm hại vương phi Khai-thiên vương không phải tôi. Tôi được lệnh khống chế
phái Đông-a. Còn người phụ trách ở Thăng-Long tên Vũ Nhất-Trụ. Còn phu nhân của
Hồng-Sơn đại phu tôi không rõ.
Mỹ-Linh truyền lệnh:
Ngày mai tôi lên đường về Thăng-long. Tên Đặng Trường võ công rất cao, lại biết
xử dụng độc dược, đích thân tôi sẽ giải y về theo.
Bảo-Hòa suy nghĩ một lúc rồi nói:
Điều quan trọng nhất chúng ta phải tìm ra tông tích Vũ Nhất-Trụ, cùng hội đồng
giáo vụ trung ương. Chúng mới sai người truyền lệnh cho Đặng Trường giết Tự-Mai,
Tôn Đản vì hai tiểu sư đệ này đã học được Vô-ngã tướng thần công. Như vậy y chỉ
biết Khai-quốc vương, Đản, Mai học được thần công này mà không biết Thiệu-Thái,
Mỹ-Linh với Bảo-Hòa cũng học được. Căn cứ vào điều này, chúng ta tìm ra y không
khó.
Mỹ-Linh lắc đầu:
Em không tin như vậy. Việc chú hai với Tôn Đản, Tự-Mai học Vô-ngã tướng thần
công cho đến giờ này chỉ người trong trang Thiên-trường biết mà thôi. Em nghi
tên Đặng Trường khai láo, để đánh lạc hướng chúng ta.
Bảo-Hòa vụt tỉnh ngộ:
Chị hiểu rồi. Nhất định Hồng-thiết giáo có liên hệ với bọn Tống. Chúng ra lệnh
giết Tự-An, Tôn Đản để dằn mặt cậu hai. Hơn ai hết chúng biết hai người này đi
với cậu hai mấy tháng liền. Bây giờ xuất hiện phá kế hoạch của chúng. Chúng giết
hai người, để cậu hai kinh sợ, chồn bớt ý chí. Còn đối với sư tỷ Thanh-Mai, dĩ
nhiên chúng muốn kiềm chế. Chúng cũng muốn kiềm chế em vì biết địa vị em ở
Bắc-biên sau này tối quan trọng. Chúng còn muốn kiềm chế anh Thiệu-Thái với
Mỹ-Linh vì biết sau này hai người ắt kế nghiệp bố với mạ mạ.
Sáng hôm sau, Trần Thông tới trang Thiên-trường rất sớm, xin tấu trình công chúa
một việc cực kỳ hệ trọng. Mỹ-Linh truyền mời ông ta vào. Viên huyện lệnh quỳ gối
hành lễ:
Khải tấu công chúa điện hạ. Đêm qua, trong thiểm huyện có nhiều biến động khủng
khiếp. Thần xin tấu để công chúa tường.
Huyện quan cứ nói.
Khải tấu công chúa, trong xã Yến-vĩ sương sen có án mạng, rất kinh khủng.
Bấy giờ đang thịnh thời Thuận-Thiên hoàng đế. Đến đánh chửi nhau cũng hiếm có,
chứ đừng nói án mạng. Mỹ-Linh vốn là Phật-tử, nghe vậy nàng ngồi nhỏm dậy:
Ai bị giết? Ai giết người?
Tấu, cả một gia đình gồm vợ, chồng, ba đứa con. Đến súc vật cũng bị giết gồm,
một con trâu, một con nghé, một con gà mái, hai mươi con gà chiếp, ba con chó,
hai con mèo, tám con vịt. Kẻ giết không biết ai. Nhưng hung thủ vô tình đánh rơi
chiếc mũ tu lờ lại. Như vậy có thể y là nhà sư.
Huyện quan trình ra cái mũ tu lờ. Thấy chiếc mũ, Tự-Mai, Tôn Đản nhìn nhau. Cả
hai ngơ ngẩn cả người ra. Mỹ-Linh không thấy cái khác lạ trên mặt hai sư đệ.
Nàng hỏi:
Nạn nhân tên gì?
Y tên Đặng Đức-Cần.
Nghe nói đến tên Đặng Đức-Cần, Tôn Đản, Tự-Mai đưa mắt nhìn nhau. Vì hai đứa đã
thấy y trong nhà mụ Anh-Trần. Bởi y có cái đầu bò liếm, trán dô, mắt cá chuối,
răng hô, tiếng nói như vịt đực.
Tự-Mai hỏi:
Thưa huyện quan, họ bị giết bằng kiếm, hay bằng chưởng?
Mỗi người, mỗi thú bị giết không giống nhau. Tên Cần bị cắt lưỡi. Cái... cái...
bị cắt, nhưng lại nhét vào miệng y.
Tự-Mai hiểu rằng Trần Thông định nói dương vật tên Cần bị cắt, rồi nhét vào
chính miệng y. Nhưng vì tâu như thế e bất nhã trước công chúa. Nên Thông ấp úng.
Tính tò mò, Tự-Mai hỏi:
Vợ y bị giết như thế nào?
Y thị bị một cây tre lớn hơn cổ tay, vót nhọn, đâm vào âm hộ, xuyên lên đến cổ.
Nói đến đây, viên huyện quan rùng mình, rồi tiếp:
Một đứa con trai bị chặt làm hai khúc. Một đứa bị chẻ dọc làm đôi. Đứa con gái
bị treo cổ.
Mỹ-Linh thấy truyện ly kỳ. Nàng hỏi:
Còn thú vật, bị giết ra sao?
Trâu, nghé bị chặt hết bốn chân. Lúc tiểu nhân đến khám nghiệm, chúng vẫn còn
thở. Chó bị cắt đầu. Mèo bị xé làm đôi. Gà bị cột cổ thành xâu, treo trên ngọn
tre. Vịt bị chặt hết chân, cánh.
Nghe huyện quan nói, Mỹ-Linh đưa mắt nhìn Thanh-Mai. Vì trước đây người ta nói
rằng, bất cứ kẻ nào gây hấn với phái Đông-a. Đại-hiệp Trần Tự-An sẽ giết cả nhà,
luôn cả chó, mèo, gà, vịt cũng không tha.
Biết ý Mỹ-Linh, Thanh-Mai lắc đầu:
Mỹ-Linh đừng hiểu lầm. Phụ thân chị định trừng phạt kẻ nào, ông sẽ để tên lại
phạm trường, cho người khác kinh sợ, chứ không bao giờ làm truyện dấu diếm như
vậy.
Mỹ-Linh cũng nhận thấy thế. Nếu Tự-An thù tên Đặng Trường, với mụ Phương. Hôm
qua ông đã giết chết tại chỗ, việc gì phải trao cho quan nha.
Mỹ-Linh bảo huyện quan:
Huyện quan truyền cho xã chôn cất, tiếp tục điều tra, rồi trình về phủ
Khai-quốc.
Trần Thông đi rồi, Tự-Mai đưa chiếc mũ tu lờ ra nói:
Chiếc mũ này của nhà sư ấy.
Tất cả mọi người đều đưa mắt nhìn Bảo-Hoà. Bảo-Hoà cầm lấy mũ coi lại, thì đúng
chiếc mũ của nhà sư trẻ theo sát, giúp đỡ bên nàng lâu nay. Tự-Mai vốn có cảm
tình với nhà sư, nó nói:
Anh ấy hành sự kỳ bí. Võ công tuyêt cao. Nhất định tên Đặng Đức-Kềnh phải phạm
tội nặng lắm, mới bị xử như vậy. Chúng ta chẳng nên thắc mắc làm gì.
Xã Hải-lộ có hai chợ. Một chợ họp hàng ngày, vào buổi sáng sớm. Ban mai, ánh
sáng lờ mờ, người ta đã tới chợ đông đảo. Khi mặt trời lên cao, chợ thưa dần.
Còn chợ chính, nằm ngay trước đình làng. Chợ họp hàng ngày, từ sau Ngọ, nhưng
lưa thưa, rất ít người, gọi là chợ hôm. Phiên chợ của xã có hai ngày, ngày một
và tám.
Hôm nay, ngày mười bẩy, còn một ngày nữa mới tới phiên chợ. Thế mà sáng sớm,
dân chúng đã tụ hội đông đảo. Già , trẻ, lớn bé lũ lượt kéo nhau đến chợ. Người
ta cho biết, hôm qua cụ tiên chỉ cùng chức sắc đã họp để xử tội con gái trong xã
làm bại hoại luân thường. Người bị bị xử tên Trần-thị Phương, được gả làm phu
nhân trang chủ Thiên-trường. Nhưng mới đây mụ phạm ba trong bẩy tội của Thất
xuất. Quan huyện truyền đem mụ về xã, để trong xã xử tội, làm gương cho con gái.
Đúng giờ Thìn, ba hồi trống chấm dứt, ông trương-tuần đi trước, lưng đeo bảo
đao. Phía sau bốn tráng đinh, giải mụ Trần-thị-Phương, tay bị trói giật cánh khỉ
ra giữa chợ. Họ trói mụ vào cây cột đã đóng sẵn từ bao giờ.
Tuy là công chúa, thuộc lầu luật lệ Đại-Việt, nhưng Mỹ-Linh chưa từng được xem
xã xử tội nhân vi phạm thuần phong mỹ tục bao giờ. Nàng đề nghị Thanh-Mai,
Bảo-Hòa giả trang làm người nông dân, trà trộn vào dân làng để xem cuộc hành
hình.
Một thiếu nữ thở dài:
Con mụ Phương này, nhan sắc đã không ra gì. Tài năng nội trợ càng tồi tệ. Thế mà
không hiểu tại sao một người như ông Trần Tự-An lại cưới mụ về làm chi?
Một thiếu nữ khác xì một tiếng:
Chị mà biết gì. Tự ông tới tuổi ngũ tuần, không muốn lấy vợ qúa trẻ. Ông tìm
người có tuổi mà cưới. Xét ra chỉ có mụ ta, trên ba mươi tuổi chưa lấy chồng mà
thôi.
Một thanh niên lớn tuổi nói:
Đúng ra ông sẽ cưới con nhà danh giá. Nhưng ông cho rằng lấy một người dốt nát,
rồi về ông dạy dỗ mấy hồi. Có ngờ đâu, ông lấy phải cái thứ quá ngu dốt, không
biết thế nào là phải, thế nào là trái. Vì vậy ông nói gì mụ cũng không nghe.
Một ông già tiếp:
Lỗi lầm của ông, khi đệ tử, con, cháu đều nhiều kiến thức. Ông đem mụ về đặt lên
trên. Mụ vừa ngu vừa dốt, ương ngạnh, bởi vậy mới xẩy ra truyện hôm nay.
Đến đó mọi người ngừng bàn tán. Ông lý trưởng đứng giữa chợ, tay cầm tờ giấy,
ghé miệng vào loa nói:
Trình quan viên hàng xã. Hôm qua xã đã họp để xử Trần-thị Phương. Hôm nay tôi
xin đem thi hành hương quyết.
Ông ngừng lại kể tội thứ nhất của mụ là điêu ngoa, ác độc với con chồng. Thứ nhì
lắm lời, cãi chồng. Thứ ba hiệp đảng với gian nhân. Đúng ra tội này, mụ bị tùng
xẻo, nhưng vì xã không được quyền xử tử, nên chỉ có thể phạt tối đa ba tội một
lúc. Một, nọc xuống đánh ba mươi roi. Hai, gọt đầu sơn vôi. Ba, thả bè trôi
sông.
Dân chúng vỗ tay hoan hô vang dội.
Trương tuần cho tráng đinh nọc mụ ra, dánh đủ ba mươi roi. Roi đánh bằng mây,
chỉ đau mà không sợ chết. Mụ Phương quằn quại dẫy dụa, chịu đủ ba mươi roi.
Tiếp đến, người ta mang dao kéo ra cạo hết tóc mụ. Đầu mụ trọc lóc. Một tráng
đinh mang ra bình vôi, lấy vôi trát lên đầu. Vì khi cạo tóc, lưỡi dao làm cho da
đầu bị rách nhiều chỗ. Vì vậy khi bôi vôi lên, mụ đau xót rên la.
Tiếp đến, ba bà già bước ra. Một bà bưng bát gạo, một bà bưng bát muối. Một bà
lấy lá lót tay, rồi cầm tay mụ Phương dắt đi. Miệng bà lẩm nhẩm đọc một những gì
Mỹ-Linh không nghe rõ.
Thanh-Mai giải thích:
Dân chúng trong làng tin rằng mụ Phương là con ma, con quái đầu thai làm hại
làng. Vì vậy dùng muối với gạo rắc lên bước chân mụ đã đi qua, như vậy ma quái
không trở lại nữa. Còn một bà cụ nắm tay thị dắt đi ra bờ sông. Vì coi mụ như
một thứ dơ bẩn, cần lót lá mà nắm tay, nếu không cái dơ từ tay mụ truyền qua.
Tới bờ sông đã có cái bè chuối để đó từ bao giờ. Mụ Phương bị dắt xuống bè. Trên
bờ trống đánh liền ba hồi, người ta xô cái bè ra xa. Nước sông đang chảy xiết,
cái bè trôi đi liền.
Thanh-Mai giải thích:
Bè chở mụ ấy, dạt vào xã nào, xã ấy phải đem mụ lên, dùng làm tôi tớ, chuyên
quét chợ, hoặc gả cho thằng mõ làng.
Thanh-Mai trở về trang Thiên-trường, trời đã quá Ngọ. Đại hiệp Trần Tự-An dặn
con:
Con sinh ra làm gái. Nhưng bố tạo cho con cái chí khí nam nhi. Với tái trí của
con, e khó có người vựơt qua. Con cùng với hai chú đi lên vùng Mê-linh tiếp xúc
với phái Tản-viên, mục đích lo bảo vệ đất nước. Con đừng nên vì tình cảm riêng
tư, mà làm trái với lời bố dạy. Bố nói ít. Con hiểu nhiều.
Thanh-Mai biết bố nhắc mình không nên vì Khai-Quốc vương, làm trái quyết định
của môn phái. Nàng kính cẩn nghe lời, mà trong lòng chua xót.
Có tráng đinh phi ngựa khẩn cấp từ cổng trang vào. Y xuống ngựa hành lễ với Trần
Tự-An:
Trình chủ nhân, ngoài cổng trang có một cô gái, mặt che bằng một vuông lụa xin
được gặp chủ nhân. Tiểu nhân hỏi tên họ, cô ta nhất định không chịu khai. Sau
cùng cô ta đưa cái hộp này cho tiểu nhân, rồi dặn rằng trình chủ nhân.
Tự-An mở nắp hộp ra, bên trong hộp có một cái vòng bằng ngọc mầu xanh biếc.
Thanh-Mai bật lên tiếng kêu kinh ngạc. Vì cái vòng đó trước đây thân mẫu nàng
thường đeo. Lúc sắp qua đời, bà tháo đưa cho bố nàng, dặn rằng:
" Đây là chiếc vòng anh dẫn lễ hồi cưới em. Không thể chôn theo em được. Vì chôn
theo, hồn em không siêu thoát được. Anh hãy cất đi. Khi em chết rồi, hồn em sẽ
theo bên cạnh anh, phù hộ cho anh gặp được một giai nhân tài sắc vẹn toàn. Khi
anh gặp người như anh ước mơ, anh đem vòng ngọc này tặng nàng. Như vậy em biết
anh yêu thương người ấy. Em sẽ giữ gìn nàng, phù hộ nàng thành kế thất của anh."
Sau này đại hiệp Tự-An cưới mụ Trần-thị Phương. Thanh-Mai không thấy mụ đeo
chiếc vòng này. Nàng hỏi bố, đại hiệp Tự-An im lặng không trả lời. Bây giờ thấy
lại chiếc vòng cũ, nàng kinh ngạc đưa mắt nhìn bố như dò hỏi nguyên do.
Đại hiệp Tự-An thấy chiếc vòng, tay ông cầm lên mà hơi run run. Thiên-trường tứ
kiệt cũng như Thanh-Mai thấy ông có cử chỉ tỏ ra cực kỳ súc động, điều mà chưa
từng ai thấy ở ông bao giờ. Vì vậy không ai dám lên tiếng hỏi. Tự-An vẫy tay ra
hiệu cho tráng đinh loan tin, rồi ông vọt lên mình ngựa của y phi ra cổng trang.
Tới cổng, ông nhảy xuống ngựa, hỏi tráng đinh canh cổng:
Vị cô nương đó đâu?
Tráng đinh chưa kịp trả lời, có tiếng nói trong như sương mai, ngọt dịu như cam
thảo:
Em đây!
Một thiếu nữ thân hình mảnh mai đứng núp sau bụi hoa nhài chạy lại ôm chầm lấy
Tự-An. Tự-An quên mất thân phận mình là một đại tôn sư võ học vang danh thiên
hạ, trước mặt còn tráng đinh, đệ tử. Ông cũng ôm lấy thiếu nữ. Nàng khóc trong
cơn nghẹn ngào:
Em...em tưởng kiếp này không gặp lại anh nữa.
Rồi nàng nấc lên, trong khị vẫn gục đầu vào vai Tự-An. Tự-An khẽ gỡ khăn lụa che
mặt nàng ra, tất cả tráng đinh, đệ tử đều bật lên tiếng ồ đầy vẻ kinh ngạc. Họ
kinh ngạc là phải, vì lần đầu tiên họ thấy vị đại tôn sư bộc lộ tình cảm một
cách mãnh liệt, lộ liễu trước mặt mọi người. Vì thời bấy giờ, ngay vợ chồng cũng
không thể nắm tay nhau trước mặt mọi người, chứ đừng nói ôm nhau. Lý do thứ hai
họ kinh ngạc, vì thấy thiếu nữ ôm lấy Tự-An gọi bằng anh, ít ra cũng trên ba
mươi tuổi. Nào ngờ khuôn mặt nàng quá trẻ, lại đẹp như tiên nữ. |