Anh Hùng Bắc Cương                                               Yên-tử cư-sĩ Trần Đại-Sỹ
 
HỒI THỨ CHÍN MƯƠI TÁM

Lĩnh-Nam tam tiên

 

_ Lão phu không hiểu?
_ Có gì lạ đâu. Triều đình ban chỉ thí võ tuyển Phò-mã. Vì sợ số ứng thi nhiều quá, nên quan Tể-tướng ban lệnh rằng, các châu tổ chức sơ tuyển. Mỗi châu được lấy ba người trúng cách. Ba người đó được cấp ngựa, y phục, cùng tiền để lai kinh. Để phân biệt, các ứng sinh trúng cách sơ tuyển mỗi châu mang mầu khăn khác nhau. Ba người ban nãy mang mầu vàng. Như vậy họ thuộc châu Linh-lăng. Còn chúng tôi khăn trắng thuộc châu Quế-dương. Chúng tôi đồng lên đường lai kinh, dự trận đấu chung kết.
Một kị mã khác hỏi:
_ Phải chăng ba người kia phạm tội gì với các vị?
Lão Bát lắc đầu:
_ Không. Bây giờ anh em tôi có việc phải
theo người bạn ban nãy. Xin kiếu ba vị công tử.
Một kị mã cười:
_ Nếu hai vị tướng quân không cho rằng Chúng toi- đa sự. Anh em chúng tôi xin theo hai vị.
_ Thế thì anh em chúng tôi đành phiền ba công tử. Nào, chúng ta đi.
Năm người vọt ngựa về trước. Phút chốc biến vào những lùm cây xanh ngắt ẩn hiện trong sương mù.
Thanh-Mai hỏi lão Tôn:
_ Tôn tiên sinh. Hiện nhà Đại-Tống có bao nhiêu châu?
_ Tổng số chín mươi ba châu lớn.
_ Như vậy có tới hai trăm bẩy mươi chín ứng viên sơ tuyển về kinh. Rồi thêm người nhà theo hỗ trợ, cũng như võ lâm thiên hạ tụ về tò mò xem. Phen này Biện-kinh thực náo nhiệt.
Lão Tôn thở dài:
_ Hôm trước anh em lão phu báo tin cho Vương-gia, để Vương-gia cho các thiếu niên Đại-Việt ứng tuyển, may ra có người thành phò mã. Bây giờ Tả-bộc xạ Tào Lợi-Dụng lại đặt ra thể lệ mỗi châu ba người, e rằng Đại-Việt khó chen chân.
Mỹ-Linh xen vào
_ Nếu muốn chúng tôi vẫn có thể tham dự như thường. Chúng tôi có Tôn Đản, Tự-Mai, Lê Văn coi như đại diện Bắc-biên hay Đại-Việt cũng vẫn hợp lệ như thường.
Lão Tôn gật đầu:
_ Nếu ba thiếu niên đó mà ứng tuyển, dù không lấy được Công-chúa, cũng lấy được Quận-chúa hoặc tiểu thư con đại thần.
Thanh-Mai ngạc nhiên:
_ Sao vậy?
_ Lưu hậu tuyển mười bẩy cô vừa đẹp, vừa ngoan, văn hay, chữ tốt trong các Quận-chúa, tiểu thư tuổi từ mười lăm đến mười bẩy, rồi nhận làm con nuôi. Cộng với công chúa Huệ-Nhu thành mười tám. Các ứng viên trúng cách của các châu về kinh sẽ qua ba cuộc tuyển nữa. Cuộc tuyển đầu tiên là khám xét xem phẩm chất coi có được không? Có khai ít tuổi hoặc tăng tuổi lên không? Có bệnh hoạn không? Những người trúng cách đợt này qua cuộc tuyển thứ nhì là thi văn tại sân rồng. Cuối cùng thi võ.
 
Phút chốc xe qua khu cây cối xanh rì, phía trước hiện ra ba kị mã nữa. Cũng vẫn một thứ ngựa, một mầu quần áo, nhưng họ choàng khăn mầu đen. Lão Tôn thấy ba người mình ra đi, mà không thấy bóng dáng đâu. Lão ra lệnh:
_ Lão Lục, lão Thập hãy đi tìm ba lão Thất, Bát, Cửu về ngay. Kể từ bây giờ tới giờ Thân, nếu thấy hay không thấy cũng phải trở về phục lệnh.
Lão Lục, Thập phi ngựa đi liền. Khi ngựa hai lão gần tới phía sau, thình lình ba kị mã cũng ra roi cho ngựa chạy. Thế là năm ngựa cùng phi nước đại. Phút chốc cả năm đều biến vào khúc quẹo, rồi mất hút.
Lão Lê hỏi lão Tôn:
_ Tôi có cảm tưởng một thế lực nào đang trêu ghẹo mình. Bằng không tại sao họ phi ngựa theo người bên mình làm gì?
Lão Tôn nói cứng:
_ Dù thế lực nào chăng nữa, với bản lĩnh năm lão, ai làm gì nổi mà sợ?
Xe đi hơn giờ nữa, bắt đầu rẽ ra con đường song song với bờ sông. Nước sông Tương mùa Đông chảy trong veo. Trên sông thuyền bè đi lại tấp nập. Lão Tôn chỉ vào dẫy chiến thuyền hơn năm chục chiếc phía trước:
_ Kìa là Hướng-dương kiều. Cây cầu đá da bắc ngang Chưng-hà. Chỗ giao hội ba con sông Tương, Lỗi, Chưng có căn cứ thủy quân. Chúng tôi dự trù đón vương gia cùng sứ đoàn xuống thuyền qua đêm.
 
Một đội quân hơn nghìn người, gươm giáo sáng ngời, đánh trống đón tiếp sứ đoàn.
 Thanh-Mai nói với lão Tôn:
_ Quốc công! Tôi nghe nói tướng chỉ huy hạm đội Hành-Nam tên Vương Văn, lĩnh chức Chiêu-võ hiệu-úy. Trước y trấn ở Hổ-môn, mới được tân thăng làm Đô-đốc Tương-giang hồ Động-đình hơn tháng nay thì phải (1)
 
 
Ghi chú
(1) Vương-Văn, thi nhân đời Tống. Ông tên thực là Trần Phụ-Quốc người trấn Ngọc-sơn thuộc Đại-Việt. Ông làm quan với Tống đến chức Tiết-độ-sứ. Khi về hưu, ông trở về vùng Phong-châu làm nhà sàn, săn thú. Ông là một thi sĩ không mấy nổi danh, nhưng bẩy bài từ Tương-giang của ông cực kỳ lãng mạn. Hầu hết được phổ nhạc.
 
 Lão Tôn kinh hãi:
_ Trời ôi! Thực xấu hổ, mình lĩnh chức tổng chỉ huy thị vệ, tai mắt của Lưu thái hậu, được lệnh hướng dẫn sứ đoàn, mà không biết tên viên chỉ huy thủy quân Hành-Nam. Thế sao con này biết tường tận như vậy? Cho rằng tế tác Đại-Việt giỏi thì giỏi thực. Nhưng việc viên Vương Văn đổi về đây thì con nhỏ này đã vào Tống rồi, làm sao nó liên lạc được với người trong nước mà biết? Nhất định nó phải nhận được tin dọc đường. Dọc đường ta canh phòng cẩn mật như thế, thì nó tiếp nhận tin bằng cách nbào?
Viên tướng giáp trụ sáng ngời hành lễ quân cách:
_ Chiêu-võ hiệu-úy, chỉ huy hạm đội Hành-Nam, xin tham kiến Vương-gia cùng sứ đoàn Đại-Việt.
Y hướng Tôn, Lê:
_ Xin tham kiến nhị vị quốc công.
Thanh-Mai để bàn tay phải ngang hông, rồi chĩa hai ngón tay giữa và trỏ ra giật giật ba cái. Khai-Quốc vương biết đây là phép hành lễ bí mật của phái Đông-a. Vương tự hỏi:
_ Tại sao Thanh-Mai phải hành lễ với viên tướng Tống này như người dưới đối với người trên? Dường như y thản nhiên tiếp nhận, không đáp lễ lại?
Vương để ý thấy thấy sắc mặt Thanh-Mai với Vương Văn hơi khác lạ, cười mà không phải cười. Trong nụ cười hàm chứa điều gì kì bí mà vương không hiểu nổi.
 
Sau khi nhập cảnh Trung-quốc, từ Tuyên-vũ sứ Khâm-châu cho tới Kinh-lược an-phủ sứ Đàm-châu Tào Khánh cùng quan chức Tống, nhất nhất đều gọi sứ đoàn bằng danh tự Cống-sứ Giao-chỉ. Đây là lần đầu tiên Tống cử một đội binh hùng hậu dàn chào theo nghi lễ tiếp đón vị Vương, rồi Chiêu-võ sứ kính cẩn gọi bằng quốc hiệu Đại-Việt.
 Khai-Quốc vương nghĩ thầm:
_ Chắc chắn Định-vương Nguyên-Nghiễm đã phát lệnh dọc đường cho các quan làm việc này. Như vậy y xứng đáng con người tín nghĩa trọng lời hứa với ta.
Vương Văn mời mọi nghười xuống một chiến thuyền lớn. Y kính cẩn nói:
_ Khải tấu Vương-gia. Thần được chỉ dụ của quan Thái-sư phụ quốc thái úy rằng: Ngoài Vương-gia, trong sứ đoàn còn có Vương-phi cùng công chúa Bình-Dương vốn thuộc nòi thi-văn, cho nên tiểu tướng chuẩn bị chiến thuyền này làm chỗ nghỉ ngơi, hầu sứ đoàn ngắm cảnh Tương-giang trong đêm. Như vậy Vương-gia được nghỉ ngơi, trong khi thuyền ngược chiều về hồ Động-đình.
Y chỉ hai con thuyền khác kè hai bên thuyền sứ đoàn:
_ Hai chiến thuyền này dùng làm chỗ nghỉ ngơi của hai vị quốc-công. Thiết kị sẽ đi trên bờ. Ngoài ra còn mười chiến thuyền. Năm chiếc đi trước, năm chiến đi sau. Không biết như vậy có được không?
Lão Tôn bảo Vương Văn:
_ Trước đây Tiếp dẫn sứ Tào Khánh khiếm khuyết chức vụ, để Trường-giang thất quỷ phạm đại giá Vương-gia. Vì vậy thái hậu ban chỉ hai chúng ta cùng mười vị tướng quân trong đại nội đích thân hộ tống. Đây gần Trường-giang vì vậy tướng quân phải canh phòng cẩn mật lắm mới được.
Trên sàn thuyền, tiệc rượu bầy ra sẵn, có tỳ nữ hầu hạ. Vương Văn mời mọi người. Thuyền nhổ neo hướng về Bắc.
Khai-Quốc vương chửi thầm:
_ Thanh muội chỉ dùng chút xíu tin tức của Bảo-Hòa, Thông-Mai cung cấp, mà bọn này cũng sợ ta đến trình độ không dám mời vào thành, mà để trên thuyền hầu dễ canh gác. Chúng vây ta như thành đồng vách sắt thế này đây? Đã vậy ta đánh nghi binh làm chúng hoảng hốt cho bõ ghét.
Vương nói:
_ Nhị vị quốc-công. Cô-gia muốn đích thân Vương tướng quân bảo giá cô-gia mới yên tâm. Vậy phiền hai vị để Vương tướng quân trấn trên thuyền của sứ đoàn. Vả lại được Vương tướng quân vốn nổi danh về từ của đất Giang-Nam, được đàm đạo với người chẳng thú lắm sao?
Hai lão Tôn, Lê ngạc nhiên:
_ Tên Lý-long-Bồ có ngu không? Rõ ràng ta bao vây y, mà y không biết, còn xin cho Vương Văn ở chung trên chiến thuyền nữa, thì có khác gì tự trói mình?
Vương Văn quả có danh vọng về thi văn. Y sáng tác được nhiều bài từ cực kỳ lãng mạn, hầu như khắp Giang-Nam thanh thiếu niên đều thuộc lòng. Thế nhưng hai lão Tôn, Lê lại không biết gì. Bây giờ nghe Khai-Quốc vương nói, hai lão kinh ngạc đến hoảng sợ.
Vương Văn nghe Khai-Quốc vương khen từ của mình. Y khoan khoái đến cực điểm:
_ Tiểu tướng mong được Vương-gia phẩm bình cho.
Mỹ-Linh mỉm cười:
_ Vương tướng-quân này. Ở đây chúng tôi là người Việt. Hai vị quốc-công với tướng-quân vốn là người Hoa gốc Việt. Chúng ta nên nói tiếng Việt mới phải.
Hai lão Tôn, Lê, cùng như Vương Văn đều kinh sợ đến ngơ ngẩn cả người ra. Vì Văn gốc Việt, điều bí mật này đến vợ con y cũng không biết, mà nay Mỹ-Linh lại nói toẹt ra. Hỏi sao y không hoảng hốt.
Mỹ-Linh càng dọa già:
_ Trong các bài từ của tướng quân, tôi thích nhất bài Tương-giang dạ vũ, lời óng mựơt, ý lãng mạn xứng đáng danh tác của Giang-Nam. Trên đường đến Hành-nam tôi hát thầm mãi. Bây giờ xin dịch để tướng-quân chỉnh cho.
Vương Văn nghe Mỹ-Linh nói, y sướng đến muốn ngất đi. Vì bài Tương-giang dạ vũ y mới sáng tác. Hơn mười ngày trước y họp bạn, mời ca kỹ đến hát. Thế mà cô Công-chúa tiên nữ này cũng biết được thực là điều y khó tin.
Mỹ-Linh cất tiếng ngâm:
 
Tương-giang một giải xanh lờ,
Sóng lăn tăn vỗ, bên bờ lá rơi.
Mỹ nhân giặt lụa, ngắm trời,
Tay ngà, nước biếc mây trôi ánh vàng (4)
 
Ghi chú
4) Trích bốn câu đầu trong bài từ Tiêu tương dạ vũ của Vương-Văn.
 
Tả mỹ nhân giặt lụa trong đêm ở bến Tương-giang đến như vậy tôi nghĩ không thể khuyên son, mà phải đổ cả nghiên son lên mới xứng đáng.
Khai-Quốc vương gật gù:
_ Này, Vương tướng quân. Người nên ứng thí, biết đâu không trúng trạng nguyên, bảng nhãn. Chứ làm quan võ này mãi, e chân tài mai một đi.
Vương Văn cúi đầu:
_ Đa tạ Vương-gia, cùng Vông-chúa ban khen.
Thanh-Mai lắc đầu:
_ Vương-gia. Theo em nghĩ cứ để Vương tướng quân coi thuỷ quân, mới có thời giờ tiêu dao mây nước mà sáng tác. Chứ thi đậu đại khoa rồi làm quan, thì e không có dịp sáng tác.
Quốc-vương vỗ đùi:
_ Vương-phi bàn đúng. Xưa nay danh sĩ đều ít người thuộc giới quan trường. Như Lý Bạch, Đỗ Phủ đâu có đậu đại khoa, cũng chẳng làm quan lớn mà danh lưu vạn đại.
Thanh-Mai rót chung rượu mời Vương Văn:
_ Chung rượu này để tặng danh sĩ. Mong Vương tướng quân cạn cho.
_ Đa tạ Vương-phi ban thưởng.
Thanh-Mai nói:
_ Vương tướng quân này, kiến thức tôi hơi hủ lậu, thành ra trong Tương-giang thất tuyệt của tướng-quân, tôi chỉ thuộc có năm bài. Còn hai bài Tương-giang địch vọng cùng Tương-giang xuân hiểu tôi nhớ được mấy câu. Tôi thích nhất bốn câu:
 
Thu tiêu dạ vũ,
Thanh vọng đoạn trường hề.
Thiếu phụ song tiền lệ thanh sam,
Trượng phu nhất khứ sầu mang mang (5)
 
Tôi đã dịch như sau:
Đêm Thu mưa gió phũ phàng,
Tiếng tiêu đứt ruột vọng sang bên bờ.
Chồng đi mang cả trời thơ,
Ngồi bên cửa sổ lệ mờ đẫm khăn.
 
Ghi chú
 (5) Trích trong bài »Tương-giang lệ thùy» của Vương-Văn._
 
Vương Văn đứng dậy chắp tay:
_ Đa tạ Vương-phi. Vương-phi dịch hay hơn cả nguyên tác của tiểu nhân.
Thế rồi tiệc rượu bàn toàn truyện thi văn Hoa-Việt.
Trời dần tối, thuyền rời Hành-Nam đã hơn bốn mươi dặm. Lão Lê hỏi lão Tôn:
_ Bọn lão Lục, Thập chưa thấy trở về. Như vậy năm người của chúng ta ắt gặp sự gì cổ quái rồi chăng?
_ Chúng ta cứ chờ xem.
Hai lão Tôn, Lê đứng dậy cáo từ:
_ Vương gia, hai lão phu xin giã từ Vương-gia. Kinh chúc Vương-gia qua một đêm đẹp trên vùng đất tổ.
Hai lão tung mình lên cao, ai nhảy nhảy về thuyền người ấy.
Hai lão đi rồi Vương Văn xin phép vào trong thay quần áo. Khi y trở ra, trên mình khoác chiếc áo lạnh. Thoáng nhìn qua, Mỹ-Linh giật mình, vì trên chiếc nút áo cổ của y có sợi chỉ đỏ. Nàng đưa mắt nhìn Khai-Quốc vương xem chú mình có nhận biết y không. Nhưng Vương cùng Vương-phi vẫn nhìn ra sông ngắm cảnh.
Thình lình vương hỏi:
_ Trời lạnh thế này, liệu tướng quân có kiếm ra hoa phong lan không?
Câu này vương ngụ ý muốn hỏi xem Vương Văn làm tới chức gì của Khu-mật viện.
Vương Văn ngồi ngay ngắn lại:
_ Khải vương gia, tiểu tướng không thể tìm được hoa phong lan, nhưng có thể bắt được sư tử.