Thuận Thiên Di Sử                                                                            Yên-tử cư-sĩ Trần Đại-Sỹ
 
HỒI THỨ BỐN MƯƠI CHÍN

Đệ nhất trưởng lão

 

Thấy Mỹ-Linh vẫn chưa hiểu, lão già gầy tiếp:
Có gì đâu, mỗi người đàn bà là cái máy hợp tinh khí, nguyên khí đó. Khi họ thụ thai, thành bào thai, bào thai chính thị khối Tiên-thiên-khí.
Một tia sáng lóe ra trong đầu óc Mỹ-Linh, nàng chú ý nhìn vào bát nhân sâm, lấy đũa bới xem cái đầu nhân sâm, thực giống một cái đầu trẻ con. Nàng thét lên hãi hùng:
Thì ra tiên sinh lấy bào thai, đem hấp mà ăn. A-di Đà-Phật. Tiên sinh thành quỉ chứ đâu phải người?
Nàng để cái bát, trong có đầu bào thai, với đôi đũa xuống đất, rồi đọc kinh vãng sinh.
Mỹ-Linh được giáo dục về từ bi, hỷ xả của Phật-giáo từ nhỏ. Giận hờn trong đạo Phật một hình thức bị quỉ A-tu-la phân thân nhập vào người, cũng có một tội. Cho nên, dù khi bị bọn Tống hãm hại, bị bọn Triệu Huy hành hạ, bị Hồng-Sơn đại phu khinh khiến, bị Nguyên-Hạnh giam trong mật cốc, nàng cũng nói năng ôn nhu, nhỏ nhẹ, cư xử khoan hoà, chưa bao giờ nàng nặng lời với bất cứ ai.
 Hôm nay lần đầu tiên trong đời, nàng không kiềm chế được, đã thốt ra lời lẽ nặng nề với Nhật-Hồ. Thốt ra xong, biết như vậy không xứng đáng với ngôi vị công chúa, đệ tử của Bồ-tát Huệ-Sinh. Nàng bình tĩnh trở lại:
A-di Đà-Phật, đức Phật từ bi tha thứ cho tiểu nữ. Tiểu nữ nói lời vô phép với tiên sinh.
Ngược lại với Mỹ-Linh, Thiệu-Thái đã từng thay thế cha mẹ cầm quân ở Bắc-biên, chàng coi bọn này là thứ tội phạm đáng giết. Chàng hừ một tiếng rồi hỏi:
Như vậy, tiên sinh cùng qúi cao đồ nấu bào thai ăn, để luyện công, gọi bào thai bằng tên con nhân sâm?
Đúng thế. Đây, món ăn trân quí vô cùng.
Thiệu-Thái nghĩ đến một ngày nào đó, chàng đem truyện thày trò y ăn bào thai cáo với quan hình-bộ thượng thư, xử tội chúng. Nên chàng khai thác thêm:
Nhưng tiên sinh lấy đâu ra bào thai mà ăn? Không lẽ tiên sinh bắt đàn bà, mổ bụng ra hay sao?
Nhật-Hồ liếc con mắt sáng loáng vào Thiệu-Thái:
Hồng-thiết giáo, kết nạp giáo chúng, đặt trên lòng trung thành. Cho nên giáo chúng tuyệt đối tuân lệnh chúng ta. Trong Hồng-thiết giáo, cho nam nữ tự do luyến ái.
Tiên sinh theo Hồng-thiết giáo ư?
Hai lão già cười:
Cô nương đần thực. Từ nãy đến giờ mà cô nương chưa biết chúng ta ư?
Mỹ-Linh đã nghe Khai-quốc vương nói, sở dĩ Hồng-thiết giáo bành trướng mạnh, nhờ giáo điều chủ trương cho trai gái tự do luyến ái, không cần quyền cha mẹ, cũng không nhất thiết trọng chữ trinh. Nàng hỏi:
Chắc trai gái giáo chúng tự do luyến ái, khi có thai rồi, lấy bào thai đo dâng cho tiên sinh ăn hàng ngày?
Lão già gầy lắc đầu:
Đâu phải mình ta ăn, mà toàn thể đệ tử bản giáo đều ăn. Khi thai được ba tháng, cho uống một số thuốc thông máu, thai bị trụy. Lấy thai đó hấp ăn như hấp cá, hấp gà.
Thiệu-Thái ghê tởm lão, nhưng chàng vẫn cố ghìm lại:
Khi ở ngoài, tiên sinh ăn con nhân sâm đã đành. Bây giờ tiên sinh với tiền bối này bị giam, mà Lê Ba vẫn cung cấp bào thai cho ăn, lại bắt giam phụ nữ trẻ đẹp hiến cho, để đêm đêm nằm ngủ hấp khí, cũng như cung phụng đủ mọi thứ quí báu. Kể ra họ cũng tử tế với tiên sinh đấy chứ?
Tử tế ư? Người chưa hiểu đấy thôi. Y còn muốn học hết thần công của lão phu.
Nghe lão già gầy nói, Mỹ-Linh tỉnh ngộ:
Ta nghe sư phụ Huệ-Sinh nói, giữa Thiền-công nhà Phật với thần công các phái khác nhau ở chỗ một bên từ bi hỉ xả, đánh người, mà không có ý sát phạt, chỉ hoá giải khi người đánh ta. Một bên sát thủ cực mạnh. Tuy nhiên cả hai bên đều quang minh chính đại. Còn nội công của tà môn thường dùng độc chất, độc trùng luyện, để hại người. Hồng-thiết công Tây-dương lấy chất độc luyện công, đi vào đường tà ma. Lão già kia lai lịch ra sao? Lão đem Hồng-thiết công hợp với cái thuật dâm đãng của người Hoa, rồi lại tự mình tìm ra lối luyện công kinh khiếp này. Bọn Hồng-thiết giáo thực kinh tởm. Ta phải tâu hết mọi sự với ông nội mới được.
Sau khi ăn uống xong, lão già gầy hỏi lại câu hỏi trước:
Này cô chú kia, làm sao cô chú lọt vào đây đựơc? Cô chú là ai?
Mỹ-Linh sợ Thiệu-Thái thổ lộ thân thế, nàng đáp vội:
Bọn tiểu bối vốn người ở Thăng-long, vô tình khám phá ra sau tủ của Hoàng Văn có đường hầm, rồi lần theo đường hầm tới đây.
Người già to béo cười nhạt:
Cô ơi, cô đẹp thế kia, mà cô nói dối tôi làm gì vậy? Nếu cô chú không có nội công thâm hậu, làm sao bẻ song sắt cửa ngoài mà vào đây?
Mỹ-Linh chưa kịp trả lời, có tiếng gầm gừ, rồi mùi hôi khủng khiếp xông ra. Lão già cười nhạt:
Phải cẩn thận. Bọn giữ hầm biết có người đột nhập vào, thả cọp ra ăn thịt các ngươi đấy. Trong hai mươi mốt người đã vào đây, mười hai người bị cọp vồ chết rồi ăn thịt. Tám người có bản lĩnh khá, đánh chết cọp, nhưng bị xông thuốc mê, rồi cho cọp ăn thịt bẩy người.
Thế còn một người nữa đâu?
Người đó là ta. Ta vào đây phóng thích tên to béo kia, rồi bị tên Lê Ba thả cọp ra ăn thịt. Ta đập chết cọp xong, bị xông thuốc mê.
Đến đó tiếng cọp gầm gừ lớn hơn. Rồi trong bóng tối, Mỹ-Linh thấy bốn ngôi sao xanh lè, đang từ từ tiến tới. Nếu trước kia, Mỹ-Linh đã kinh hoảng, nhảy tránh. Bây giờ võ công của nàng đã đến trình độ cao thâm. Nàng thản nhiên đứng nhìn đôi cọp đang chậm chạp lại gần. Đây là đôi cọp xám, cao lớn, hùng vĩ. Chúng gầm gừ, nhe hàm răng trắng ởn, lưỡi đỏ lòm.
Thiệu-Thái bảo Mỹ-Linh:
Hôm trước anh đã dạy em cách chế ngự cọp. Em thử áp dụng xem sao.
Cổ thời, nước Việt, nơi có nhiều thú dữ. Người Việt phải chống trả với chúng, lâu ngày những phương pháp đó trở thành một bản lĩnh. Cho đến thời Lĩnh-nam, nữ anh hùng Hồ Đề đặt hẳn thành hệ thống. Đệ tử phái Tây-vu dạy đủ mọi loại thú dữ để sai khiến như canh gác, săn bắn. Trong các loại thú được huấn luyện thành binh đội chống giặc gồm có hổ, báo, trăn, ong, voi, khỉ, ưng, và chó sói. Các đạo quân này đã làm cho quân Hán kinh tâm động phách bao phen.
 Khi thấy vận nước sắp nguy, vua Trưng ra lệnh cho Trưng Nhị, Phương-Dung, Phùng Vĩnh-Hoa, Đào Kỳ chép tất cả võ công, học thuật lại thanh bộ Lĩnh-Nam vũ kinh lưu truyền hậu thế. Khi vua Trưng tuẫn quốc, công chúa Hồ Đề còn tiếp tục kháng chiến. Đệ tử Tây-vu lập thành môn phái. Nghệ thuật nuôi, dạy thú mỗi đời thêm kinh nghiệm, cho đến phò mã Thân Thừa-Quý, trở thành tinh vi.
Công-chúa Lĩnh-nam Bảo-hòa được tôn lên làm vua Bà Bắc-biên, đã gửi về cho Khu-mật-viện hơn trăm chim ưng, để làm nhiệm vụ trinh sát, đưa thơ. Thiệu-Thái, Bảo-Hòa được học bản lĩnh này. Trong chuyến đi Thanh-hóa, hai anh em cỡi hùm, sai chim ưng, vỗ về cho chó khỏi cắn.
Khi Mỹ-Linh gặp Bảo-Hòa, hai chị em rất tương đắc. Bảo-Hòa thấy nàng muốn cỡi hùm của Thiệu-Thái. Bảo-Hòa dạy nàng mấy chục tiếng để sai khiến. Sau đó, Thiệu-Thái dạy nàng hàng mấy trăm tiếng nữa. Hôm nay, trước hai con hùm này, nàng bình tĩnh bóp miệng, bóp cổ nói với chúng mấy câu. Quả nhiên hai con hùm đang gầm gừ, tự nhiên im hẳn.
Thấy hiệu nghiệm, nàng gọi chúng. Chúng vẫy đuôi, tiến lại gần. Mỹ-Linh ôm lấy cổ chúng. Nàng uốn cong lưỡi lên xử dụng ngôn ngữ loài cọp nói với chúng. Chúng nằm xuống đất. Nàng với Thiệu-Thái ngồi dựa lưng vào chúng, tay gãi cho chúng. Chúng thích quá, liếm tay nàng thân thiết như con chó với chủ nhân.
Lão già kinh ngạc:
Này cô nương. Cô nương với thủ lĩnh 207 khê động Bắc-biên Thân Thiệu-Anh là chỗ thế nào?
Mỹ-Linh thấy lão già tuy bị giam, mà từ đầu tới cuối ngôn ngữ cẩn trọng, lịch sự, nàng nghĩ thầm:
Người này tất phải có lai lịch rất lớn. Định lực của ông ta cao thâm khôn lường.
Nàng đáp:
Thưa tiền bối, cháu chưa từng gặp tiền bối Thân Thiệu-Anh bao giờ.
Lão già biết Mỹ-Linh không muốn thố lộ gia thế. Lão cười:
Cô nương không muốn lộ chân tướng cũng
Được.
Lão nói nhỏ:
Lúc cô nương vào đây, ta thấy bước chân của cô nương nhẹ như chim, nhất định cô nương luyện nội công âm nhu của phái Mê-linh đến trình độ tối cao. Ta e Hoa-Minh thần ni của phái Mê-linh có còn sống cũng thua cô nương. Ta thấy tiếng nói của cô nương ngân dài, tiếng nọ cách tiếng kia đều, hẳn cô nương còn luyện Thiền-công nhà Phật, dường như của phái Tiêu-sơn. Ta lạ một điều...
Lão ngừng lại một lát rồi lắc đầu:
Kỳ thực. Phái Tiêu-sơn không nhận nữ đệ tử, mà sao cô nương lại học được nội công phái này?
Người to béo từ đầu đến cuối không lên tiếng, bây giờ y mới nói:
Còn thiếu niên kia, phải chăng người là đệ tử của phái Tiêu-Sơn?
Thiệu-Thái không biết nói dối, chàng khai:
Tiểu bối không có sư phụ. Tiểu bối học võ công với phụ thân.
Phụ thân à? Rõ ràng bước đi của người trầm, vang truyền đi rất xa, đây là nội công của phái Tiêu-sơn. Tiêu-sơn có hai loại đệ tử. Loại tục gia, loại là xuất gia. Nội công của người là nội công của kẻ xuất gia. Phụ thân người đâu có xuất gia, mà biết nội công này truyền cho người?
Những gì lão già gầy nói, chứng tỏ lão có kiến thức quảng bác về võ học. Võ công lão chắc cao thâm lắm, nên lão mới có khả năng tay không giết cọp.
Đến đó, có tiếng chân người, rồi một gã đàn ông mặc quần áo đen từ ngoài tiến vào. Dường như gã đã già, mái tóc lốm đốm trắng đen. Gã đó khoanh tay trước ngực cười nhạt:
Hai đứa bay là ai, mà đột nhập vào đây?
Mỹ-Linh chỉ vào ba người bị giam:
Tiểu bối đang muốn hỏi ông là ai? Tại sao dám giam giữ người trái phép? Ông không tôn trọng luật của hoàng đế, tội đáng chém đầu. Ông có mau thả ba vị này ra không?
Mỹ-Linh quên mất mình đang đóng vai cô gái dân dã, mà dùng ngôn ngữ của cô công chúa trách cứ.
 Người bịt mặt cười nhạt:
Mi bảo ta thả y ư? Mi có biết y là ai không đã?
Dĩ nhiên tiểu bối không biết. Tiểu bối đang muốn thỉnh tiền bối danh tính bốn vị này.
Người bịt mặt chỉ người to béo:
Chỉ nguyên tên ma đầu này thôi, tay y đã nhúng không biết bao nhiêu máu mà kể. Số người y giết, nếu đem thây chất lại, e cao hơn núi Hoàng-liên-sơn.
Lão già to béo cười nhạt:
Cô nương. Ta biết lòng dạ cô nương tốt, muốn cứu người. Nhưng ta nói tên ta ra e cô nương kinh tởm ta ngay. Ta tên Nguyễn Chí.
Thiệu-Thái, Mỹ-Linh cùng bật lên tiếng « Ủa » kinh ngạc.
Nguyễn Chí là đệ tử thứ năm của Nhật-hồ lão nhân, rất được lão tin dùng. Võ công của y cao thâm ngang với đại sư huynh Vũ Nhất-Trụ. Hơn bốn mươi năm trước, y được sư phụ trao cho nhiệm vụ phát triển bang ở vùng Chiêm-thành, Trà-lô, Nghệ-an, Thanh-hóa. Bang chúng Nhật-hồ các vùng này do y điều khiển, giết người không gớm tay.
 Sau khi bang Nhật-Hồ bị vua Đinh đánh bại, y vẫn ẩn thân bí mật hoạt động, điều khiển bang chúng giết người. Về sau vua Lê Đại-Hành đem quân vào dẹp, đánh chiếm tổng đường, tìm thấy xác y dập nát ở một cửa hầm. Từ đấy võ lâm quên y. Không hiểu sao nay y lại bị giam ở đây.
Mỹ-Linh đi từ kinh ngạc này đến kinh ngạc khác:
__ Lão tiền bối chả là sư đệ của Lê Ba ư? Thời Thập-nhị sứ quân, lão tiền bối tuy là sư đệ, nhưng được Nhật-hồ lão nhân cho trông coi toàn thể giáo chúng miền Nam Đại-Việt. Trong khi Lê Ba chỉ coi một vùng Thanh-hóa. À phải rồi, vì y tranh quyền nên giam tiền bối.
Nguyễn Chí lắc đầu:
Không phải thế. Lão già kia vừa nói rằng lão giam ta mấy năm, rồi thân vào thả ra. Trong khi đó Lê Ba xua cọp ăn thịt lão. Lão đập chết cọp, rồi bị Lê Ba xông thuốc mê.
Mỹ-Linh nói với người bịt mặt:
Tiền bối không muốn thả ông Nguyễn Chí cũng được. Còn vị tiền bối trăm tuổi, với hai người đàn bà kia, tiền bối mau thả ra.
Người bịt mặt cười khẩy:
Lão già kia tuy nói năng ngọt ngào, nhưng lão là một đại ma đầu khét tiếng. Tay lão đẫm máu gấp vạn lần Lê Ba, Nguyễn Chí.
Mỹ-Linh hỏi lão già:
Tiên sinh. Tiên sinh cho bọn tiểu bối biết đại danh.
Lão già vuốt râu cười:
Ta,ư! Ta là sư phụ của Lê Ba, Nguyễn Chí.
Mỹ-Linh, Thiệu-Thái nhảy lùi lại một bước. Nàng mở to mắt ra:
Tiên sinh là Nhật-hồ lão nhân ư?
Lão già cười đầy vẻ tự đắc:
Ừ, đúng thế.
Thiệu-Thái hỏi lão:
__ Thực lạ quá, Lê Ba làm trưởng lão Hồng-thiết giáo, xuất từ cửa tiên sinh. Nguyễn Chí hẳn cũng thế. Tại sao tiên sinh giam Nguyễn Chí? Tại sao Lê Ba giam tiên sinh?
Nhật-Hồ thở dài:
Ta lầm lẫn. Lúc đầu ta tin Nguyễn Chí, y lại có tài. Ta cho y coi miền Nam Đại-Việt. Sau Lê Ba dèm pha rằng Nguyễn Chí đi thẳng với giáo chủ Xích Trà-Luyện, định hất ta ra ngoài. Ta lo sợ, gọi Nguyễn Chí về nhận lệnh, rồi giam ở đây. Nhưng ảnh hưởng của Nguyễn Chí lớn quá, ta phải dối rằng y chết rồi.
Lão rơm rớm nước mắt: