Từ Trường-yên đến Thiên-trường không xa. Con đường này
Thanh-Mai đã đi nhiều lần. Nàng thuộc làu tên từng thôn, rừng xóm sắp đi
qua. Mỗi thôn, mỗi xóm đều có di tích, nàng thuật truyện cho mọi người
nghe. Khi thấy xa xa một xóm làng, với nhiều ngôi nhà ngói đỏ, nổi bật lên
trên những tùm cây xanh ngắt, nàng chỉ tay hỏi Mỹ-Linh:
_ Chúng ta sắp qua địa phận xã Thanh-liêm. Trong xã có một di tích thời Lĩnh-nam.
Đố Mỹ-Linh biết di tích đó là di tích gì ?
Mỹ-Linh lắc đầu:
_ Sư tỷ nói tổng quát quá, làm sao em đóan ra. Xin sư tỷ hé cho chút ánh
sáng nữa, họa may.
_ Trong xã có đền thờ một danh tướng thời vua Bà.
Thường-Kiệt cỡi một con ngựa chiến lớn, nó luôn đi cạnh Thanh-Mai. Nó hỏi:
_ Cô cho con đoán được không ?
Trước đây Thường-Kiệt gọi Thanh-Mai bằng sư thúc. Từ hôm đi cùng với nó từ
Thanh-hóa ra, Thanh-Mai cho phép nó gọi bằng cô hầu thêm thân mật.
Thanh-Mai gât đầu:
_ Con thử đoán xem có đúng không ?
_ Con nghe mẹ nói, vùng Thiên-trường sinh ra ba nữ tướng thời vua Bà. Một
là công chúa Gia-hưng Trần Quốc. Hai là công chúa Tử-Vân. Ba là bà Chu
Tái-Kênh. Chắc trong xã Thanh-liêm có đền thờ một trong ba vị đó.
Thanh-Mai thấy Thường-Kiệt lý luận, nàng gật đầu vui mừng:
_ Con đoán gần đúng. Trong xã có đền thờ bà Thánh-Thiên.
Thiệu-Thái hỏi:
_ Thánh-Thiên giữ chức gì trong triều đình Lĩnh-Nam ?
Thanh-Mai thuật:
_ Bà là người bác học đa năng vào bậc nhất thời bấy giờ. Công đức đối với
đất nước chỉ thua có vua Trưng mà thôi. Hồi còn niên thiếu bà theo cậu là
Nam-thành vương Trần Minh-Công khởi binh ở Ký-hợp. Trong gần mười năm làm
cho Tích Quang, Tô Định ăn không ngon, ngủ không yên.
Thường-Kiệt hỏi:
_ Thế võ công bà hẳn cao thâm không biết đâu mà lường.
Thanh-Mai lắc đầu:
_ Trái lại, võ công bà rất bình thường, gần như chỉ đủ để tự vệ mà thôi.
Tính tình bà cẩn trọng điềm đạm. Gặp việc gấp, nguy biến, bà vẫn thản
nhiên. Khi bà tuẫn quốc, vua Trưng phán: "Thánh-Thiên sống thản nhiên,
hành sự cẩn mẫn, nói ít làm nhiều, nhưng mưu trí trùm hoàn vũ". Ngay đối
với giặc, bà cũng nói năng ôn tồn. Bà được phong làm Bình-ngô đại tướng
quân, giữ nhiệm vụ tổng trấn vùng Nam-hải.
Bảo-Hòa gật đầu:
_ Nhiệm vụ bà quan trọng thực, như vậy bà tổng trấn vùng biên giới Hán,
Việt, giống như mạ mạ bây giờ.
Thanh-Mai tiếp:
_ Bà đánh nhiều trận khét tiếng như Thường-sơn, Nam-hải, Phụng-hoàng. Bà
để lại bộ Dụng binh yếu chỉ mà bọn Tống cử hàng chục đòan sang tìm kiếm.
Chợt nghĩ ra điều gì, Mỹ-Linh hỏi Thanh-Mai:
_ Nhập gia vấn húy! Chị Thanh-Mai cho bọn này biết tên húy trong nhà chị,
để còn kiêng chứ?
Thanh-Mai lắc đầu:
_ Các vị yên tâm. Bố tôi vốn tính ngang quá ghẹ. Thành ra ông xoá bỏ tất
cả nơững gì ông coi là rởm. Vì vậy các vị tới trang tôi, đừng ngạc nhiên,
khi người không cấm con cháu kiêng húy. Cho đến tên Hoàng-đế người cũng
không kiêng.
Đỗ Lệ-Thanh hỏi nhỏ Thanh-Mai:
_ Trần cô nương. Tiểu tỳ tuyệt không nghe cô nương nhắc đến chủ mẫu là tại
sao vậy?
Thanh-Mai cau mày, tỏ vẻ suy nghĩ, rồi thở dài:
_ Đỗ phu nhân hỏi thực phải. Tôi phải tường thuật chi tiết những gì không
hay trong gia đình tôi cho quý vị hiểu rõ mới được. Thân mẫu tôi bị trúng
Chu-sa độc chưởng chết đã hơn năm năm. Sau khi mẫu thân tôi qua đời ba
năm, phụ thân tôi tục huyền với một người con gái lớn tuổi. Vì bố tôi nghĩ
rằng với người lớn tuổi như vậy, dễ dàng cho chúng tôi xưng hô.
_ Bấy giờ bà ấy bao nhiêu tuổi rồi?
_ Ba mươi bẩy. Mọi người cùng bật lên tiếng ồ. Vì thời bấy giờ, gái mười
ba, trai mười sáu, cha mẹ bắt đầu dựng vợ gả chồng cho. Thảng hoặc như trường
hợp Thanh-Mai, Mỹ-Linh, Bảo-Hoà, tuổi mười tám chưa gả chồng, đã thuộc ngoại
lệ rồi. Đây nghe nói tới người con gái ba mươi bẩy tuổi, khiến ai cũng phải
giật mình.
Thiệu-Thái lắc đầu:
_ Chắc bà ấy chắc phải thuộc loại võ công cao cường, văn chương quán thế.
Hoặc giả nhan sắc khuynh quốc?
_ Bà ta cùng họ với tôi. Nhũ danh Phương...
Thanh-Mai thuật đến đó, thì đoàn người ngựa cũng vừa tới ngôi đền thờ
Thánh-Thiên. Đền không lớn lắm, rộng, dài khoảng ba chục bước. Trước đền
có tượng hai con ngựa bằng đất đắp. Góc sân phía trước, dựng đứng lên hai
cây đề cao như muốn chọc mây. Gió thổi vào lá đề thành những tiếng reo như
một bản nhạc liên miên bất tận.
Bảo-Hòa gò ngựa lại nói:
_ Chúng ta vào đền lễ bà đi!
Đoàn người ngựa dừng lại. Trong sân đền có đám trẻ con đang chơi đùa.
Chúng thấy người lạ cỡi ngựa, lưng đeo kiếm, biết rằng khách phương xa
vãng cảnh. Chúng tránh sang một bên, nhường lối cho khách. Ông từ giữ đền
thấy có khách đến vội chạy ra chào. Ông lễ phép hỏi:
_ Chẳng hay quý khách từ đâu đến lễ bà ?
Thanh-Mai đáp:
_ Chúng tôi ở bên Thiên-trường qua. Ông từ ơi, có nhiều người đến lễ bà
không ?
_ Thưa cô nương ngày thường thì vắng lắm. Nhưng mồng một, ngày rằm đông vô
cùng. Những ngày đó, hội đền cử thêm nhiều người giúp, chứ mình tôi, lo
không xuể.
Trước đền, có đôi câu đối khắc trên cột gỗ. Thanh-Mai ngơ ngác hỏi Mỹ-Linh:
_ Sư muội, chữ gì chị đọc không được. Mỹ-Linh lẩm nhẩm một lát rồi bật cười:
_ Chữ Khoa-đẩu. Để em đọc đôi câu đối cho chị nghe
Thực hào kiệt, thực anh hùng, những khi giúp đỡ vua Trưng, mặt nước sông
Thương gươm báu trăng lồng còn lấp lánh.
Còn bâng khuâng, còn phảng phất, sau lúc đuổi tan giặc Hán cành hoa bến
Ngọc, vòng tay thơm nức vẫn còn đây.
Mỹ-Linh nhìn lên thấy mặt trời gần đứng bóng. Nàng móc trong bọc ra một
xâu tiền đưa cho ông từ:
_ Phiền ông mua dùm chúng tôi hoa quả, cùng gà, gạo làm cơm cúng bà.
Ông từ vui vẻ:
_ Mời quý khách vào trong ngồi chơi uống trà. Tôi sai mẹ nó đi liền. Chợ
gần đây thôi.
Phía sau đền có cái hồ sen. Sen vào thu, hoa đã tàn, chỉ còn những bọng
với lá. Bảo-Hòa nói:
_ Chúng ta ra ao rửa mặt rồi vào lễ. Bằng không bà mắng là bọn con cháu ở
dơ, mặt mũi ghớm nhờn.
Ông từ đi trước dẫn đường. Ông mở cửa đền, đánh lửa đốt lên nến. Ánh nến
lung linh chiếu vào những đỉnh hương, bát hương bằng đồng lóng lánh. Ông
kéo màn trước bàn thờ. Phía sau màn, một ngôi tượng bằng đồng theo tư thức
đứng, hông đeo bảo kiếm, tay trái giữ đốc kiếm. Tay phải chỉ về trước. Gương
mặt đầy vẻ cương quyết.
Mỹ-Linh hỏi Thanh-Mai:
_ Sư tỷ này. Em nghe nói dáng người bà ẻo lả, tính tình hiền hậu, nhưng
khi ra lệnh lại quyết liệt vô cùng. Tượng này chắc đúc theo truyền thuyết
ấy.
_ Đúng. Bà vốn người ôn nhu văn nhã, thông kim bác cổ, chỉ thua có công
chúa Phùng Vĩnh-Hoa mà thôi.
Bảo-Hòa đứng ngắm pho tượng, lòng nàng đầy xao xuyến nói với Thiệu-Thái:
_ Người xưa anh hùng như thế. Tuy bà sống cách đây nghìn năm, mà anh khí
vẫn còn phảng phất. Mình là con cháu phải làm thế nào nối tiếp sự nghiệp
đó, đừng để mất đi cái hào khí dân tộc.
Ông từ gióng chuông. Thanh-Mai nói:
_ Bây giờ ai lễ trước, ai lễ sau?
Ông từ nói:
_ Theo Khâm định điển lệ của đức Hòang-đế ban hành thì nam lễ trước, nữ lễ
sau. Lớn tuỗi lễ trước, nhỏ tuổi lễ sau. Nhưng phép vua thua lệ làng.
Trong đền này thuộc lãnh địa thời vua Trưng. Nếu áp dụng luật Lĩnh-Nam,
trai, gái như nhau. Lớn tuổi lễ trước, nhỏ tuổi lễ sau.
Ngô Tuấn nói với Thanh-Mai:
_ Vậy ở đây Đỗ phu nhân lễ trước, rồi tới chú Thái, cô Thanh, cô Hòa, cô
Linh. Cuối cùng đến con.
Lễ xong, ông từ mời khách uống trà. Ngô Tuấn tính hiếu động, nó chạy chơi
trong sân. Bỗng nó kêu lớn:
_ Cô ơi, ra mà xem này.
Mỹ-Linh, Thanh-Mai chạy ra, nhìn theo tay Tuấn chỉ, đôi câu đối đã bị ai
vạc mất chữ vua Trưng và chữ Hán. Vết vạc còn mới nguyên. Thanh-Mai nói:
_ Chúng ta gần chục người hiện diện, mà người này đến vạc chữ, rồi đi, mà
không ai khám phá ra được cũng thực kỳ lạ. Mau tìm kiếm. Chúng chưa rời
khỏi đâu, vì chữ Hán mới vạc được một nửa.
Thiệu-Thái vọt mình lên nóc đền. Thanh-Mai nhảy lên nóc nhà ngang. Bảo-Hòa
vào trong, Mỹ-Linh chạy vòng quanh. Sau khi lục sóat một lúc, vẫn không có
dấu vết gì khác lạ. Thanh-Mai hỏi Tuấn:
_ Con có thấy ai đi qua, hoặc vào sân đền không?
_ Không. Con chỉ thấy đám trẻ kia mà thôi.
Chợt Bảo-Hòa đến trước đống rơm góc sân, hướng vào trong nói:
_ Cho đến giờ phút này mà người không chịu xuất hiện ư? Ra ngay!
Những đống rơm thời bấy giờ thường chất theo hình nón, cao ngang mái. Hàng
ngày người ta rút rơm ở dưới thấp ra nấu ăn. Thành ra, trong ruột đống rơm
rỗng như cái tổ chim. Một người nào đó nằm cuộn tròn trong hố rơm ngáy khò
khò.
Người này nghe Bảo-Hòa quát, càng gáy to hơn như trêu ghẹo. Bảo-Hòa ôn tồn
nói:
_ Người có ra ngay không? Nếu còn chần chờ, bản cô nương sẽ có biện pháp.
Người ấy vẫn gáy lớn, thình lình trở mình, ngáp dài một cái, rồi lại ngủ
tiếp. Ông từ thấy ồn ào chạy ra. Mỹ-Linh chỉ đống rơm hỏi:
_ Ông từ! Ông có biết người này là ai không?
Ông từ nhìn vào trong, rồi phất tay:
_ À, ông Mốc. Không biết ông ta từ đâu đến vùng này từ hơn năm nay. Bạ đâu
ngủ đấy. Da ông ta bị bệnh giống như người mốc, vì vậy trẻ con gọi ông là
lão Mốc.
Đám trẻ con đang chơi ngoài xa cùng chạy lại. Chúng gọi:
_ Lão Mốc, ra đây mau. Có khách đến, đông lắm tha hồ mà xin tiền.
Lão Mốc trong đống rơm từ từ bò dậy, miệng nói lảm nhảm:
_ Bọn ranh con chưa ráo máu đầu, thấy ông nội ngủ, mà không biết giữ im lặng,
đến phá rối. Ông lại đánh bỏ bu bây giờ.
Lão nói bâng quơ, nhưng ngụ ý chửi Bảo-Hòa. Từ trong đống rơm lão chui ra.
Người lão thực tàn tạ kinh khủng. Áo cánh nâu rách hai ba chỗ. Quần ống
còn, ống mất. Đầu tóc bù xù. Lão đưa con mắt sáng loáng nhìn mọi người,
rồi ngửa bàn tay hướng vào Mỹ-Linh :
_ Xin cô nương bố thí cho đồng tiền bát gạo, làm phúc cũng như làm giầu.
Về sau con rể con dâu đầy nhà.
Mỹ-Linh đã theo chú ra ngòai gần năm qua, kinh nghiệm có thừa. Ngặt vì bản
chất một Phật tử thuận thành trong người, nàng thấy lão Mốc sống không nhà,
không cửa, ngủ bụi, ngủ bờ, thì động lòng trắc ẩn. Nàng móc túi lấy ra một
bốc tiền, hai tay đưa cho lão:
_ Ông đang ngủ ngon, bọn tôi đến quấy rối thực có lỗi. Đây chút ít tiền,
ông cầm lấy mà tiêu.
Lão cầm tiền, bỏ vào túi, miệng nói:
_ Đa tạ cô nương. Người có hằng tâm như cô nương hỏi được mấy? Lão kính
chúc bẩy kiếp phụ mẫu của cô thường được an lạc. Hiện kiếp ông bà nội
ngọai, cha mẹ, chú bác, anh chị em của cô hưởng quả phúc như núi Côi.
Thanh-Mai nghe lời chúc, nàng biết lão này không phải người đi ăn mày. Lời
chúc của lão rút trong kinh Phật, ngụ ý rằng Mỹ-Linh làm phúc, cha mẹ của
bẩy kiếp trước, dù nay ở đâu cũng được hưởng hạnh bố thí. Rồi lão chúc
phúc thân thuộc kiếp này. Thông thường người ta chúc hưởng phúc như Đông-hải
hay như núi Thái-sơn. Đây lão chúc như núi Côi, là ngọn núi trong vùng Trường-yên.
Thanh-Mai đưa mắt nhìn lão. Nàng biết lão không thể là tên ăn mày vô danh.
Dường như lão ở xa mới đến đây mưu đồ gì. Muốn dò tông tích lão, nàng cần
lờ đi như không biết lão đóng kịch. Nàng làm bộ thương hại:
_ Chúng tôi đang chuẩn bị lễ Bà. Mời ông vào trước lễ bà, sau ăn cơm với
chúng tôi.
Lão thản nhiên:
_ Như vậy lão quấy rầy các vị quá.
Ông bà từ giết gà, làm cỗ cúng thực mau. Mâm cơm thịnh soạn gồm mấy món ăn
tầm thường, nhưng tinh khiết: lòng gà xào với mướp hương, cá chép rán, gà
luộc, chim sẻ quay. Đặc biệt có món cá rô kho keo với canh rau đay nấu cua
đồng.
Ông bầy các món ăn lên bàn thờ. Lão Mốc cùng mọi người vào lễ. Ông từ chỉ
lên bàn thờ:
_ Hàng ngày cúng bà chúng tôi không thể thiếu hai món canh rau đay hoặc
canh mồng tơi nấu cua đồng với cá rô kho keo. Vì sinh thời, tuy làm đại tướng,
mà bao giờ bữa ăn của bà cũng có hai món này.
Đợi hết tuần nhang, ông từ dọn các thức cúng xuống bàn, bầy ra mời khách.
Ông lấy một đĩa xôi với miếng thịt gà đưa cho lão Mốc. Thanh-Mai cản lại:
_ Nghìn dặm gặp nhau là đại duyên, xin ông từ cho lão đây ăn chung với
chúng tôi cho vui, không biết có được không ?
Ông từ bỡ ngỡ không ít. Khách thập phương tới lễ đền thờ Thánh-Thiên có đủ
loại người. Nhưng đa số đều vào ngày hội hoặc ngày rằm. Hôm nay đám khách
này tới vào ngày thường, đã làm ông bỡ ngỡ. Thứ nhì mọi khi khách cúng
nhiều lắm một hai trăm đồng. Đây Mỹ-Linh trao cho ông một quan, tức sáu
trăm đồng để làm cỗ cúng, còn đưa cho ông một nén bạc hầu tu bổ đền. Rồi
bây giờ họ lại mời lão Mốc ngồi ăn cùng.
Mỹ-Linh dành ngồi bên lão Mốc. Nàng luôn gắp thịt bỏ cho lão ăn. Trong mâm
cơm có bốn cái đùi gà, nàng gắp cho lão tới ...ba cái. Lão nhai cả xương.
Ăn cơm xong, lão ăn thêm một đĩa xôi. Mỹ-Linh mở to mắt ra xem lão ăn.
Trên đời chưa bao giờ nàng thấy ai ăn khỏe như vậy.
Vì có lão Mốc với ông từ, cho nên Mỹ-Linh, Bảo-Hòa chỉ nói truyện trời
mưa, trời nắng, cùng hỏi bà từ về cach thức làm món ăn.
Ăn xong, Thanh-Mai dục mọi người chuẩn bị lên đường. Mỹ-Linh nói với lão
Mốc:
_ Bây giờ tôi phải lên đường. Duyên may chưa hẳn đã hết. Không biết sau
này chúng ta có gặp nhau nữa không ?
Lão Mốc đáp:
_ Gặp chứ, nhất định sẽ gặp lại nhau mà.
Ông từ đứng lên tiễn khách. Khi mọi người ra sân, nhìn lên đôi câu đối
thực lạ chưa, chữ Hán đã có bàn tay bí mật nào đó lấy than tô thành chữ
Tống. Còn chữ vua Trưng được tô thành chữ anh quân. Bây giờ đôi câu đối
trở thành:
"Thực hào kiệt, thực anh hùng, những khi giúp đỡ anh quân, mặt nứơc ông
Thương gươm báu trăng lồng còn lấp lánh.
Còn bâng khuâng, còn phảng phất, sau lúc đuổi tan giặc Tống cành hoa bến
Ngọc, vòng tay thơm nức vẫn còn đây.
Bảo-Hòa chợt nhớ ra, trong lúc ăn cơm, lão Mốc đứng lên xin phép ra sau.
Không lẽ lão ra cửa sau, rồi vòng về trước, tô lại mấy chữ này ư ? Nàng
nhìn bàn tay lão, tuy lão đã chùi, nhưng vẫn còn vết than ở ngón cái.
Bảo-Hòa xá lão Mốc:
_ Tiền bối, khinh công của người thực vô địch. Mà bản lĩnh hí lộng quỉ
thần lại còn hơn ai hết. Mấy chữ này người sửa mau thực. Nhưng e chữ anh
quân đối với chữ giặc Tống thực không chỉnh.
Lão Mốc ngơ ngẩn:
_ Cô nương nói sao ? Lão thực không hiểu.
Biết lão là một dị nhân, Bảo-Hòa không muốn bắt lão xuất hiện, nàng cười:
_ Sẽ có ngày tái ngộ.
Nàng ra roi cho ngựa chạy trước. Thanh-Mai cùng mọi người vọt theo.
Mỹ-Linh hỏi Thanh-Mai:
_ Sư tỷ. Sư tỷ cho lão Mốc là người thế nào ?
Thanh-Mai lắc đầu:
_ Khó biết lắm. Cứ như bản lĩnh của lão, e không kém gì Nguyên-Hạnh. Có điều
lão ẩn thân ở đền này bấy lâu nay không biết để làm gì ?
Bảo-Hòa chợt á lên một tiếng:
_ Lão này muốn tìm hiểu tông tích bọn mình.
Mỹ-Linh kinh ngạc:
_ Thế nghĩa là ?
Bảo-Hòa phân tích:
_ Lúc đầu lão xóa đi mấy chữ vua Trưng, rồi giặc Hán để xem phản ứng của
chúng ta, hầu biết chúng ta có biết chữ Khoa-đẩu không. Mỹ-Linh vô tình
chỉ lên nói mất chữ này, còn chữ kia chị cũng gật đầu công nhận. Thế là
lão biết Mỹ-Linh với chị biềt chữ Khoa-đẩu.
Mỹ-Linh giật mình:
_ Chúng mình sơ hở qúa.
Bảo-Hòa tiếp:
_ Sau đó lão tô lên mấy chữ kia, biến câu đối ca tụng Bà thành ca tụng
chúng mình. Chúng mình hỉ hả trong lòng. Như vậy lão biết đích xác căn cước
bọn mình.
Đỗ Lệ-Thanh xen vào:
_ Lão dùng một thức thuốc đặc biệt thoa vào người, thành ra giống như mốc.
Nhưng lão quên mất rằng phàm khi người ta bị bệnh mốc, thế nào cũng bị
bệnh phổi. Trong khi đó lão nói năng lớn tiếng, hơi thở điều hòa, chứng tỏ
lão không hề bị bệnh phổi. Lão tưởng qua mặt chúng ta được. Tôi lờ đi cho
lão sướng. Nội ngày nay lão phải tìm thế tử xin lỗi.
Thiệu-Thái kinh ngạc:
_ Tại sao vậy ?
_ Tại vì tiểu tỳ đã phóng vào bát của lão một ít chất độc. Chỉ chiều nay
chất độc phát tác. Lão có gan bằng trời cũng không chịu được cơn đau.
Đoàn người tới con sông nhỏ. Thanh-Mai chỉ vào những lũy tre bên kia sông: |