Quận chúa Kim-Thành chắp tay hướng Vũ-Đức vương:
_ Có phải chú tư định mời chú hai ra ngoài thành tương kiến là hư kế của Nhật-Hồ
lão nhân, với mục đích điệu hổ ly sơn không? Hồi chiều chú tư mới họp với
Nhật-Hồ cùng chư tướng đã chuẩn bị kế hoạch rằng khi chú hai ra ngoài thành, thì
trong thành chú với bọn Nhất-Trụ điều khiển bọn cao thủ Hồng-thiết giáo thình
lình đốt phá, rồi mở cửa Tây cho giặc vào. Thế là chú hai tiến ra thì bị vây,
lui về không có chỗ. Bấy giờ lão mới dùng tiễn thủ giết chú hai...
Vũ-Đức vương nổi cáu, ông văng tục:
_ Con nỡm con này! Bố mày đối với tao cũng phải nói bằng giọng ôn tồn, cái mã
mày lấy quyền gì mà đòi hạch hỏi tao ?
Kim-Thành chắp tay:
_ Dĩ nhiên cháu không thể hạch hỏi chú. Nhưng những lời cháu nói có đúng không?
Cháu còn lớn gan, muốn biết hiện giờ Dực-Thánh vương ở đâu nữa kia.
Vũ-Đức vương kinh hãi vô cùng. Vì mới ban nãy đây, Nhật-Hồ với vương bàn kế đánh
thành tuyệt mật như vậy, mà sao đến con cháu bé con này cũng biết, thì còn hy
vọng gì nữa?
Trường-Ninh tiếp lời chị:
_ Chú bị tên Nhật-Hồ đánh lừa chú rồi. Chú tưởng rằng với quân số của đạo Đằng-hải,
quân địa phương Cửu-chân, cộng với giáo chúng... Y có tới gần mười vạn, nên chú
theo y. Chú thực ngây thơ quá đi. Lão Nhật-Hồ đã hại Dực-Thánh vương rồi, thì
khi sự thành đời nào y tôn chú lên làm vua ?
Nàng ôn tồn hơn:
_ Chú ơi! Tất cả kế hoạch mà chú hai vận trù về cuộc tương kiến với chú, cùng
trao Thượng-phương bảo kiếm cho Lê Phụng-Hiểu là hư kế của chú hai, để gian tế
Nhật-Hồ thông báo tin ma cho lão đấy. Thực sự giờ này chư tướng đạo Đằng-hải đã
nhận lệnh đánh úp bọn Hồng-thiết giáo khi hai bên dàn trận. Hạm đội Bạch-Đằng đã
chiếm Thanh-hóa, rồi tiến quân ra. Hiện quân đã chiếm lại Vạn-hoa sơn trang, Vạn-thảo
sơn trang. Chỉ nội đêm nay sẽ bịt phía Nam Trường-yên. Hạm đội Âu-Cơ đổ lên
Thiên-trường, sáng mai tiến về vây phía Đông Trường-yên. Hai đạo Ngự-long,
Bổng-nhật khởi hành từ Thăng-long, giờ Mão ngày mai sẽ vây phía Bắc Trường-yên.
Thấy mặt Vũ-Đức vương tái đi, Trường-Ninh tiếp:
_ Sáng mai, chú hai vờ xuất thành tương kiến với chú, rồi chỉ cần một tiếng pháo
lệnh, hai đạo Đằng-hải đánh úp đám giáo chúng Hồng-thiết giáo. Rồi đạo quân Âu-Cơ,
Bạch-đằng, Ngự-long, Bổng-nhật vây kín ba phía. Trong khi đạo Phong-châu, Thượng-oai
tung thú dữ đánh từ trong ra.
Vương phi Thanh-Mai vẫy tay cho Trường-Ninh im lặng, nàng nói:
_ Chú tư à! Sự việc đã ra thế này, chú tư còn hy vọng gì cái ngôi vua nữa? Dù
Nhật-Hồ có chiếm được đất nước, thì lão cũng sẽ giết chú đi để lên làm vua, chứ
có đâu y tôn chú lên ngôi.
Biết sự không thể đừng được Vũ-Đức vương thở dài, nói với Khai-Quốc vương:
_ Đúng như hai con Kim-Thành, Trường-Ninh nói. Nhật-Hồ lão nhân cho em với Vũ Nhất-Trụ,
đem một số cao thủ vào ẩn trong thành. Đợi ngày mai anh xuất thành, thì Nhất-Trụ
với em xuất lĩnh đội cảm tử đốt nhà, cùng đánh ra cửa Tây cho quân ngoài vào.
Thanh-Mai hỏi:
_ Thế lát nữa Nhất-Trụ sẽ vào thành bằng cách nào? Những ai ở trong thành tiếp
tay cho y?
_ Em không biết tên bọn nội phản. Nhưng tại cửa Tây, khi ngoài thành có ánh bùi
nhùi phất qua, phất lại, thì trong thành có người tung dây ra, rồi Nhất-Trụ với
mấy tên cảm tử bám dây leo vào.
Thanh-Mai đưa mắt cho Kim-Thành. Kim-Thành hiểu ý bà thím liền:
_ Ta phải ra ngoài báo cho Lê-Văn biết tin tức này, để bắt tên Nhất-Trụ.
Nàng cúi đầu lùi ra ngoài.
Trong này Vũ-Đức vương nói tiếp:
_ Lão Nhật-Hồ thực xảo quyệt. Y không cho em biết gì về các đạo quân Âu-Cơ, Bạch-đằng,
Ngự-long, Bổng-nhật đang xiết chặt vòng vây. Bây giờ em tùy lượng nhị ca. Còn
hai tùy tùng của em, chúng tuy xuất thân Hồng-thiết giáo, nhưng lại rất trung
thành với em. Vậy nhị ca hãy để chúng thư thả theo hầu em.
_ Được. Trường-Ninh gọi Bảo-Hòa đem hai người tùy tùng của chú tư vào đây.
Vương phi Thanh-Mai truyền bầy tiệc, anh em, chú cháu cùng ăn uống. Lát sau Bảo-Hòa
dẫn hai tùy tùng vào. Khai-Quốc vương cầm bản cung khai xem, quả nhiên chúng đều
khai giống Vũ-Đức vương. Trong hai người, một tên Vũ Ngọc-Phụng và một tên Chu
Tấn. Cả hai đều là đạo trưởng Hồng-thiết giáo. Phụng là đạo trưởng vùng Thiên-trường.
Tấn là đạo trưởng vùng Quảng-Đông. Hồi Thiệu-Thái theo sứ đoàn sang Tống, chàng
đã trị bệnh cho Chu Tấn ở Khúc-giang. Khai-Quốc vương bưng chung rượu lên nói:
_ Nào chú tư, hãy uống với anh chung rượu này, mừng anh em ta thoát khỏi cảnh
cốt nhục tương tàn.
Vũ-Đức vương vừa cầm chung rượu lên, thì bên ngoài có tiếng trống, tiếng thanh
la báo động. Mọi người vội chạy ra xem.
Nguyên khi giải giao Vũ-Đức vương cho Khai-Quốc vương, Lê Văn nghĩ:
_ Dù sao mình cũng là người ngoài, không thể xen vào việc nhà họ Lý. Ta nên
tránh mặt để cho anh cả xử vụ này.
Chàng dẫn thị vệ ra ngoài, rồi leo lên mặt thành đi tuần tiễu. Bỗng có tiếng
Kim-Thành gọi chàng. Chàng quay lại hỏi:
_ Bà chị dâu xinh đẹp, dữ hơn chằng tinh. Có tin gì đấy?
Kim-Thành nói nhỏ vào tai Lê Văn, rồi cười:
_ Chúc chú em thành công.
Lê-Văn núp vào địch lâu, nhìn ra góc Tây thành. Hơn bốn khắc sau, bỗng chàng để
ý thấy có ánh bùi nhìn đỏ đưa qua đưa lại. Nhanh nhẹn, chàng nằm sát xuống mặt
thành quan sát, thì thấy có người tung sợi dây ra ngoài thành, rồi một người
trong bóng tối nhảy ra nắm lấy. Người trên thành giật thực mạnh. Người dưới
thành bay tung lên cao. Cứ như thế đến người thứ mười một thì dưới chân thành
không còn người nữa. Tên thứ mười một còn đang lơ lửng trên không, thì Lê Văn đã
phóng đến, tay xuất hổ trảo bắt sống y. Không ngờ phía sau, một ánh đao chém vào
ngang lưng chàng. Lê Văn kinh hãi, vội biến trảo thành chưởng đẩy thanh đao ra
ngoài. Thanh đao vuột khỏi tay người kia bay bổng lên cao. Còn người kia bị vỡ
làm năm sáu mảnh tung ra xa.
Lê Văn thấy công lực mình mạnh đến không tưởng tượng nổi, chàng ngẩn người ra.
Còn người từ ngoài thành đầu trùm khăn kín mít. Y vừa rơi xuống đất đã bị một người
khác đưa tay chụp. Lê Văn tinh ý, nhận ra người trong thành tấn công tên bịt
mặt, chính là Thanh-Mai. Thoáng một cái hai người đã chiết với nhau hơn mười
chiêu. Lê Văn kinh hãi tự hỏi:
_ Võ công sư tỷ Thanh-Mai hiện không thua bố mình làm bao, kẻ kia là ai, mà coi
bộ ngang với sư tỷ.
Yên tâm về kẻ đột nhập đã có người kiềm chế, chàng nhìn lại người bị mình đánh
vỡ làm năm sáu mảnh. Cái đầu y còn nguyên vẹn, chàng nhận ra y là tên Trần
Trọng-Cựu. Kinh ngạc, chàng tự hỏi:
_ Trần Trọng-Cựu là sư đệ của Phạm-Hổ, công lực y còn có phần trội hơn sư huynh,
mà tại sao mình chỉ phát có ba thành công lực đã khiến y tan xương nát thịt?
Thị vệ đã đốt đuốc lên sáng rực. Khai-Quốc vương, Vũ-Đức vương cùng chư tướng đã
tới. Khai-Quốc vương hỏi Thông-Mai:
_ Đại ca, người thử đoán xem tên thích khách kia là ai, mà công lực đến dường
ấy?
Thông-Mai lắc đầu:
_ Thực khó hiểu, vì y dùng võ công Tiêu-sơn, còn nội lực thì pha lẫn Tiêu-sơn
với Hồng-thiết giáo. Nhưng không hiểu sao y chưa dùng Nhật-hồ độc chưởng? Có lẽ
y úy kị phản độc chưởng của nhị muội chăng? Tôi chưa từng nghe trong Hồng-thiết
giáo có cao thủ nào võ công cao đến thế này. Kìa, nhị muội muốn thắng y mà không
được. Có lẽ ta nên bắt y ngừng tay đi thì vừa.
Đến đó, tên bịt mặt đánh liền ba chiêu như vũ bão, bình, bình, bình, rồi y tung
mình lên chạy về phía Nam thành. Lê Văn nhô lên thụp xuống mấy cái, chàng đã
đứng trước mặt y. Y tung vào người chàng một chưởng với tất cả bình sinh công
lực. Lê Văn không dám coi thường, thuận tay chàng phát ra chiêu Thiên-vương
chưởng. Ầm một tiếng. Trên không có hàng trăm mảnh vải bay như bươm bướm. Thì ra
chưởng của Lê Văn với tên bịt mặt chạm nhau, sức ép làm khăn trùm cùng quần áo
rách làm nhiều mảnh bay tứ tung, y rơi xuống trước mặt Thanh-Mai. Trên người y
chỉ còn cái quần lót.
Bấy giờ mọi người mới nhận ra y chính là Vũ Nhất-Trụ. Vũ Nhất-Trụ ọe một tiếng,
miệng phun ra một búng máu. Y hỏi Lê Văn:
_ Tên nhãi con kia, phải chăng mi là con của Hồng-Sơn đại phu. Nhưng sao... sao
công lực mi lại cao đến dường này. Trong nội lực của mi dường như pha lẫn
Mê-linh với Sài-sơn?
Thấy thân thể Nhất-Trụ thảm thiết, mối từ tâm của người thầy thuốc khiến lòng Lê
Văn nhũn ra. Nhưng lời dạy của Phan Nam sống dậy, chàng hít một hơi chân khí rồi
nói lớn:
_ Ma đầu Vũ Nhất-Trụ, hãy đỡ chưởng của ta.
Miệng nói, tay chàng phát chiêu Thiên-vương trấn thiên, chưởng phong của chàng
chưa ra hết, mà mọi người đều cảm thấy nghẹt thở. Những người công lực thấp như
Kim-Thành, Trường-Ninh, Tĩnh-Ninh, Trần Anh đều nhảy lui liền ba bốn bước để
tránh áp lực, thế mà vẫn còn thấy choáng váng. Khai-Quốc vương túm áo Kim-Thành,
Trường-Ninh. Bảo-Dân túm áo Trần Anh, Tôn Trọng. Tôn Đản túm áo Tôn Mạnh, Lưu
Tường...cùng nhảy lùi về sau ba bốn bước, tay phất chưởng hoá giải kình phong.
Vũ Nhất-Trụ đã đánh quen trăm trận, thấy chưởng phong Lê Văn quá mạnh, y vội nằm
ép mình xuống đất, hai tay phát chiêu đỡ vào mấy nhánh chưởng tỏa ra trước ngực
y. Ầm một tiếng chưởng trúng vào hòn giả sơn gần đó, làm hòn giả sơn vỡ tan
tành, đá, gạch, nước bay tứ tung.
Vũ Nhất-Trụ kinh hãi, y lăn liền mấy vòng, nhảy về phía Thanh-Mai, tay y phát
chưởng tấn công nàng để mở đường. Y nghĩ rằng với thân thể không áo quần của y,
ắt Thanh-Mai phải bỏ chạy. Quả đúng như y nghĩ, Thanh-Mai xuất chiêu Phong-ba
hợp bích đỡ, rồi nhảy lui lại. Vũ Nhất-Trụ chỉ chờ có thế, y tấn công liền ba
chiêu nữa, rồi tung mình chạy. Y vừa bước đi, thì Lê Văn đã chặn trước mặt y,
chàng phát chiêu Lôi-đả ân-tặc. Nhất-Trụ kinh hãi vội phát chiêu trong
Hồng-thiết độc công đỡ. Bình một tiếng, y cảm thấy như trời long đất lở, chân
tay tê liệt, thì Lê Văn đã phát chiêu thứ nhì. Y nghiến răng đỡ, bình một tiếng,
người y bay lên cao rồi rơi lên đầu Thanh-Mai. Thanh-Mai kinh hãi nàng phát
chiêu Phong đáo sơn đầu đẩy y tung đi, y rơi xuống đất, miệng phun máu có vòi.
Lê Văn không nhân nhượng, chàng phát chiêu Thiên-vương trấn thiên, rầm một
tiếng, người Nhất-Trụ bẹp dí như con tép bị dẵm lên. Y chỉ còn là miếng thịt bầy
nhầy.
Trong khi đó thị vệ đã bắt hết bọn cảm-tử theo Nhất-Trụ vào thành, cùng với bọn
gian tế tung dây.
Khai-Quốc vương nắm tay Lê Văn:
_ Mừng cho em, với công lực của em, hiện thời có lẽ không thua gì Thiệu-Thái.
Hai vị lão sư Phan Nam, Ngô Quảng-Thiên thực là bất tử khi người đem chân khí
gửi vào người em.
Lê Văn nói:
_ Khi thái sư phụ truyền công lực cho em, người dạy anh Thông-Mai với em phải về
Vạn-thảo sơn trang ngay, vì bố em đi vắng, trong khi đại sư huynh Dương Bình
đang trấn Thăng-long.
Khai-Quốc vương đưa mắt nhìn, thấy Thông-Mai đang đứng bên Bảo-Hòa. Động tâm tư,
vương nói:
_ Bây giờ trí dũng của em có thừa, mình em về được rồi. Sau khi dẹp loạn xong
thì anh Thông-Mai với Bảo-Hòa sẽ về sau cũng được.
Chợt nhớ ra điều gì, vương hỏi sẽ Lê Văn:
_ Em đã đoán ra Ưng-sơn song hiệp là ai chưa?
_ Em vẫn không đoán nổi. Thực lạ, họ còn trẻ thế, mà từ Trường-giang thất hiệp
cho tới Hoa-sơn tứ lão đều tuân lệnh họ răm rắp.
Khai-Quốc vương nắm tay Lê Văn:
_ Đúng ra thì với minh kiến của em, em đã đoán ra y là ai rồi. Vì y biết vậy,
nên y cho em gặp công chúa Thái, thế là tam hồn thất phách em thăng thiên, nên
em đoán không ra. À, anh muốn cho quân mình khoẻ để đánh ban đêm. Vậy em có thứ
thuốc nào, mà uống vào buổi sáng cho ngủ suốt ngày, rồi đêm có sức đánh giặc
không?
_ Có thì có đấy, nhưng kiếm đâu ra đủ dược vị cung cấp cho mười vạn người? Em
nghĩ ta dùng châm cứu giản dị hơn, mà lại mau chóng.
_ Nhưng ta không đủ thầy thuốc, cũng không đủ kim.
Lê Văn cười lớn:
_ Trí tuệ như anh mà nghĩ không ra à?
_ Không.
_ Bây giờ anh cho gọi đám quân khéo tay lại, rồi em sẽ dạy họ làm kim. Không đủ
kim bằng vàng, bằng bạc, thì ta dùng kim bằng tre. Như vậy trong nửa ngày mình
sẽ có hàng triệu kim. Sau đó ta phát cho chư quân mỗi người sáu cái. Ta chia họ
thành từng cặp, rồi dùng thầy thuốc trong quân dạy họ tự châm cho nhau.
_ Chỉ có sáu huyệt mà ngủ ngon sao?
_ Đúng vậy, đối với bệnh mất ngủ thì cần nhiều kim, cùng luận trị. Còn đối với
người khoẻ mạnh như chư quân, thì chỉ cần châm vào huyệt Thần-môn, Đại-lăng, và
Phong-trì là đủ.
_ Vậy Văn đệ với Hoàng phu nhân điều khiển làm kim khẩn cấp, sao cho chiều mai
xong. Văn đệ viết thư dặn cách thức làm, rồi ta sai chim ưng mang tới đạo
Ngự-long, Bổng-nhật, Đằng-hải, cùng hạm đội Âu-cơ, Bạch-đằng, để các nơi cùng
thi hành.
Lê Văn vội lấy bút viết thư. Rồi trao cho Lê Thuận-Tông sai chim ưng mang đi.
Khai-Quốc vương nói với Vũ-Đức vương:
_ Sáng mai, sau khi cửa thành Bắc mở ra, thì chú với chị Thanh-Mai, đem theo hai
cháu Kim-Thành, Trường-Ninh về kinh để gặp phụ hoàng cho người yên tâm.
Vương gọi Lê Phụng-Hiểu:
_ Tướng quân đem theo đội thị vệ trăm người theo hầu Vũ-Đức vương. Mọi việc nhất
nhất theo lệnh của vương phi.
Câu nói của Khai-Quốc vương, chỉ có Thanh-Mai, Kim-Thành, Trường-Ninh hiểu rằng:
Vương phi Thanh-Mai với Lê Phụng-Hiểu áp giải Vũ-Đức vương về triều. Chứ nếu bảo
Phụng-Hiểu theo hầu Vũ-Đức vương thì sao không truyền cho ông tuân lệnh vương,
mà tuân lệnh vương phi? Chẳng qua vương nói vậy để gỡ thẹn cho em mà thôi.
Chư tướng hội họp đông đủ. Bên ngoài Lê Thuận-Tông dùng đội sói canh phòng cực
nghiêm mật. Trên trời đội ưng bay tuần phòng. Khai-Quốc vương ngồi trước chiếc
đỉnh hương khói lên nghi ngút, cạnh vương là sư phụ Huệ-Sinh, đạo sư Nùng-Sơn
tử, hai vị sư thúc Hoàng Hùng, Trần Kiệt. Chư tướng không hiểu bằng cách nào,
ngoài thành quân giặc vây kín, mà hai vị tôn sư Huệ-Sinh, Nùng-Sơn tử lọt vào
trong được, và lọt vào lúc nào?
Họ đưa mắt nhìn, thấy vắng mặt vương phi Thanh-Mai, quận chúa Kim-Thành,
Trường-Ninh, Lê Văn cùng Vũ-vệ đại tướng quân Lê Phụng-Hiểu, Sùng-ban lang tướng
Ngô An-Ngữ. Trong lòng họ thắc mắc, nhưng vì việc quân họ không dám hỏi.
Khai-Quốc vương đứng dậy cung tay hành lễ với sư phụ Huệ-Sinh, đạo sư Nùng-Sơn
tử cùng hai sư thúc Hoàng Hùng, Trần Kiệt rồi nói:
_ Hôm nay cô-gia mới quyết định giải quyết bọn phiến loạn. Hôm trước cô-gia đã
ra lệnh cho các vị chuẩn bị sẵn, còn cô-gia sẽ mở cửa thành tương kiến với
Vũ-Đức vương; nhất là giao cho Vũ-vệ đại tướng quân Lê Phụng-Hiểu thay cô-gia
điều quân. Mục đích của lệnh hôm đó là hư, để gian tế báo cho giặc, hầu chúng
không bỏ chạy. Chứ thực sự, cô gia điều quân các nơi về. Hai hạm đội Bạch-đằng,
Âu-Cơ vây phía Nam, Đông. Trong khi hai đạo Ngự-long, Bổng-nhật từ Thăng-long
kéo tới. Cho đến giờ này ba nơi chỉ đợi pháo lệnh là tiến đến phía sau giặc.
Chư tướng xoa tay, gật đầu tỏ vẻ khâm phục.
_ Còn đạo Đằng-hải, Hữu vũ-vệ thượng tướng quân Trần Tự-Quang bị hại, song chư
tướng đã qui phục triều đình. Cô-gia cử Sùng-ban lang tướng Ngô An-Ngữ thay thế
tướng Trần Tự-Quang. Rút cuộc giặc chỉ có đám Hồng-thiết giáo. Cô-gia muốn thẳng
tay, nhưng sư phụ của cô-gia lòng dạ từ bi, người cho rằng giáo chúng đều là kẻ
yêu nước. Chẳng may bị bọn Nhật-Hồ lừa dối mà ra. Cho nên người muốn dùng quân
bao vây, rồi chúng ta giết hết đám trưởng lão, như vậy tự nhiên chúng đầu hàng.
Cả hai bên cùng không đổ máu.
Vương đưa mắt nhìn hai vị sư thúc Hoàng Hùng với Trần Kiệt:
_ Nhưng nhị vị sư thúc lại cho rằng trước đây triều đình đã ân xá cho bọn giáo
chúng một lần, biến chúng thành Lạc-long giáo, mà chúng còn theo Nhật-Hồ thì ta
phải tru diệt, không có vấn đề khoan thứ.
Vương mỉm cười:
_ Cô-gia có kế hoạch vừa lòng cả sư phụ lẫn nhị vị sư thúc. Nghĩa là ta ép, bao
vây, rồi kêu gọi chúng hàng. Nếu chúng hàng thì ân xá. Còn chúng không hàng, ta
mở đường cho chúng chạy. Trên đường chạy, ta phục quân giết hết.
Huệ-Sinh cúi đầu xuống, mắt ông nhắm lại, miệng niệm khẽ:
_ A-Di Đà-Phật.
Khai-Quốc vương tiếp:
_ Vậy ngày mai, bị các đạo Âu-Cơ, Bạch-đằng, Ngự-long, Bổng-nhật ép ba phiá, thế
nào tàn binh Hồng-thiết giáo cũng chạy về phía Tây, rồi vượt rừng sao nước Lào.
Các đội đệ tử Tiêu-sơn, Tản-viên, Đông-a, hai đạo binh Phong-châu, Thượng-oai sẽ
do hai sư thúc Hoàng Hùng, Trần Kiệt điều động, xuất thành truy sát chúng. Các
tướng Lê Thuận-Tông, Hà Thiện-Lãm, Hoàng Tích, Lưu Tường đi theo quân mình.
Vương ngừng lại cho các tướng theo kịp:
_ Hổ-uy đại tướng quân Lý Nhân-Nghĩa làm chánh tướng trấn giữ thành. Các tướng
Trần Anh, Tôn Trọng, Tôn Mạnh, nữ tướng Tĩnh-Ninh cùng quân trực thuộc hợp với
đạo quân Lạc-long giáo đặt dưới quyền chỉ huy của hai tướng An-Ngữ, Nhân-Nghĩa.
... Còn lại sư huynh Thông-Mai, cùng với Thiệu-Thái, Mỹ-Linh, Bảo-Hòa, theo
cô-gia ra đối đầu để giết cho hết bọn ma đầu trưởng lão.
... Đây là thực kế. Nhưng chư tướng cứ sẵn sàng để biến hư kế hôm trước thành
thực kế, hôm nay có thể thành hư kế. Nhưng hư kế có đôi chút thay đổi. Vì Vũ-vệ
đại tướng quân Lê Phụng-Hiểu phải lĩnh nhiệm vụ mới đặc biệt, nên cô-gia để
nghĩa đệ Tôn Đản cùng Ngô Cẩm-Thi thay Lê tướng quân.
Lý Nhân-Nghĩa hỏi:
_ Khải vương gia, từ sáng nay, chư quân, đều chia cặp rồi châm cứu cho nhau, nên
bây giờ họ ngủ say li bì. Trường hợp này lỡ giặc công thành thì sao?
Khai-Quốc vương cười:
_ Không những quân phải ngủ cho có sức, mà tướng cũng phải ngủ nữa. Vậy chư
tướng thuộc phái Tiêu-sơn, Đông-a hãy lên mặt thành mà xem giặc bị đánh. Còn các
tướng thuộc phái khác hãy chia cặp châm cứu cho nhau, để đêm nay còn có sức mà
làm việc.
Trần Anh hỏi:
_ Thưa vương gia, tại sao các tướng thuộc phái Đông-a, Tiêu-sơn lại không được
ngủ?
_ Giản dị! Vì nội công Đông-a, Tiêu-sơn là thiền công. Những người thuộc phái
này chỉ cần bỏ ra ngoài nhãn, nhĩ, tỵ, thiệt, thân, ý một lúc thì cũng như ngủ
một ngày rồi.
Trời dần dần sáng, trong trại giáo chùng Hồng-thiết quân phía Đông thành
Trường-yên, ba tiếng pháo lệnh nổ, tiếp theo một hồi trống. Đội Thiết-kị hàng
ngũ ngay thẳng khoan thai gõ bước, tiến đến dưới chân thành thì dàn ra thành
trận thế. Tiếp theo đội võ sĩ cảm-tử, lưng đeo bảo đao dàn ra bên trái đội
Thiết-kị. Theo sau đội võ sĩ cảm-tử, tới đội cung-thủ, dàn bên phải. Cuối cùng
là các đoàn giáo-chúng Hồng-thiết, cứ nghìn người thành một đoàn. Sau khi trận
dàn xong, tất cả đều hô lên một tiếng lớn, rồi im lặng. Trước trận, các trưởng
lão Linh-Nguyện, Vũ Hào, Lê Tấn đi đi lại lại.
Khai-Quốc vương cùng chư tướng lên mặt thành quan sát: Bên ngoài bọn phản loạn
dàn trận xong. Bảo-Hòa nói nhỏ:
_ Có lẽ chúng chờ tới giờ Thìn, cửa thành sẽ mở, rồi cậu sẽ ra hội họp với
Vũ-Đức vương. Kìa! Hai đạo Đằng-hải vây cửa Bắc, Nam. Còn cửa Tây, cửa Đông thì
do giáo chúng Hồng-thiết giáo với đội Hồng-hương thiếu niên. Riêng đạo binh trấn
Thanh-hóa thì đóng ở cửa Đông.
Quan sát quân tình giặc một vòng, rồi Khai-Quốc vương nói nhỏ vào tai Tôn Đản.
Tôn Đản mỉm cười, chàng lấy ra ba cây pháo lệnh buộc vào đầu một mũi tên. Sau
khi châm lửa, chàng lắp tên vào cung, tay kéo dây, cánh cung uốn như trăng mùng
ba, tên xé gió bay lên nền trời trong xanh mùa Xuân. Ba tiếng nổ đùng, đùng,
đùng vang dội. Đám quân phiến loạn tưởng cửa thành sẽ mở, rồi Khai-Quốc vương
cùng chư tướng ra; nên chúng lùi lại, tay cầm vũ khí trong tư thế chuẩn bị.
Nhưng chúng chờ mãi, chờ mãi cũng không thấy cổng thành mở.
Rồi đâu đó, xa xa có tiếng trống thúc nhịp nhàng đưa lại, mỗi lúc một gần. Vũ
Linh-Nguyện hỏi một đạo trưởng tế tác:
_ Người cho thám mã đi tìm xem trống của đội quân nào vậy?
Nhưng viên đạo trưởng chưa kịp đi, thì đã có thám mã đến cung tay:
_ Thưa trưởng lão, đạo quân hạm-đội Âu-cơ khoảng hai vạn người đã vượt đèo, đang
vây ép phía Nam mình. Trong khi từ phía Đông, đạo quân hạm-đội Bạch-đằng đổ bộ,
đang tiến về vây phía sau ta. Còn phía Bắc thì hai đạo Ngự-long, Bổng-nhật đang
tiến tới.
Nhưng cả ba mặt, quân triều chỉ đánh trống ra oai mà không tiến lên. Bây giờ
Nhật-Hồ lão nhân mới thấy kinh hãi. Lão chỉ có bản lĩnh xảo trá, chứ về quân sự
thì lão mù tịt. Trong đám trưởng lão, chỉ có Vũ Nhất-Trụ với Hoàng Văn là có tài
dùng binh bậc nhất, bậc nhì Đại-Việt. Nhưng Hoàng Văn bị Tôn Đản giết ở
Thăng-long. Còn Vũ Nhất-Trụ lại nhập thành mất rồi.
Thình lình từ xa, một đội kị mã phi tới như bay. Đi đầu một lá cờ trên có hình
chim ưng bay qua núi. Đám này khoảng ba nghìn người, nên Nhật-Hồ không coi vào
đâu, lão truyền tiền đội đổi ra hậu đội, chuẩn bị tác chiến.
Đội kị mã Ưng-sơn tới gần, lập tức phân ra làm đôi, xung thẳng vào trận. Khi hai
bên giáp nhau, mỗi cánh lại phân làm hai, rồi phân thành tám. Mỗi kị mã vung
tay, một giáo chúng ngã xuống. Khi đội Ưng-sơn chọc thủng phòng tuyến Hồng-thiết
giáo, lập tức cánh trái vòng sang phải, cánh phải vòng sang trái, phút chốc cả
hai biến vào phương trời xa xa.
Nhật-Hồ lão nhân nhân nhìn đội Ưng-sơn, lão kinh hãi, tự hỏi:
_ Tại sao lại có đội Thiết-kị nhiều cao thủ đến như thế kia?
Lão ra lệnh cho chỉnh đốn lại hàng ngũ lùi ra cách xa thành hai dậm dàn trận.
Trận chưa dàn xong, bỗng trên thành phát ba tiếng pháo, hai cửa Tây, Đông mở
rộng. Một đàn hổ, báo xông ra trước, theo sau là đội Thiết-kị xung thẳng vào
trận phản loạn.
Nhưng đội cửa Đông lao vào vòng chiến chớp nhoáng, rồi rút vào thành thực mau.
Còn đội cửa Tây thì tách làm hai. Đám giáo chúng vây cửa Tây lên đến hai vạn
người, chúng thấy đội hổ báo chưa quá trăm con, thì tỏ ra không sợ, đội cung thủ
được đưa lên đầu giáp chiến.
Giữa lúc đó, từ phía Tây, đội Ưng-sơn lại xuất hiện. Đội này như hổ đói, xung
vào hàng ngũ giáo chúng Hồng-thiết giáo. Họ đi đến đâu, người ngã đến đó, không
một giáo chúng nào đương nổi lấy một hiệp. Sau khi xung vào, chém giết chớp
nhoáng, họ lại tập trung, rồi biến vào khu rừng núi mênh mông. Đám giáo chúng bị
đánh hai mặt, hàng ngũ rối loạn, bỏ chạy vào rừng.
Nhật-Hồ lão nhân được tin báo về mặt trận cửa Tây tan vỡ. Lão truyền cho hai
đạo Đằng-hải đánh sang mặt Tây tiếp viện. Đạo Đằng-hải vừa chuyển động, thì
trong thành lại phát pháo, cửa thành Bắc, Nam mở rộng, kị-mã trong thành tuôn
ra. Hai đạo Đằng-hải vội dàn trận. Khi trận dàn xong, thì kị mã rút vào trong
thành, cửa thành đóng lại mau chóng. Trong khi đó mặt trận phía Tây đám giáo
chúng tản vào khu rừng núi trùng điệp.
Từ hôm ra ngoài thành Ngô An-Ngữ mặc giả làm một Đô-thống của đạo Đằng-hải.
Nhưng ông cầm cờ ra lệnh, khiến Nhật-Hồ lão nhân chú ý theo dõi. Bây giờ rõ ràng
lão ra lệnh cho hai đạo đánh quặt sang phía Tây để cứu đám giáo chúng tại đây,
mà An-Ngữ lại hành động ngược lại, án binh bất động. Rồi bây giờ An-Ngữ còn ra
lệnh cho hai đạo Đằng-hải quay về hướng Đông dàn trận ra trong tư thế chuẩn bị
tác chiến. Nhật-Hồ lão nhân kinh hãi, lão thấy khuôn mặt An-Ngữ rất quen, dường
như đã gặp ở đâu rồi. Bỗng lão tỉnh ngộ:
_ Mình đáng chết thực, thì ra tên Ngô An-Ngữ đã xuất thành nắm hai đạo này bao
giờ.
Bất giác lão rùng mình kinh sợ:
_ Làm sao bây giờ? Lực lượng cơ động của ta chỉ có hai đạo Đằng-hải, mà tên Lý
Long-Bồ cho người âm thầm thuyết phục chư tướng, gửi tên An-Ngữ ra chỉ huy. Thôi
rồi, như vậy là hết hy vọng. Được, ta đánh ván bài chót xem sao.
Lão lui vào trận, nói nhỏ với Vũ Linh-Nguyện, Vũ Hào, Lê Tấn về tình trạng trên,
rồi ra lệnh:
_ Ta giả vờ nói truyện với tên Lê Mai, thình lình ba người phóng đến cùng xuất
chiêu tấn công, cùng phun thuốc độc giết tên Ngô An-Ngữ như sét nổ. Y chết rồi,
thì đạo Đằng-hải rối loạn, chúng ta mới có thể thoát thân hôm nay.
Lão lững thững lại phía trận của đạo Đằng-hải, tay vuốt râu mỉm cười:
_ Lê tướng quân, tướng quân nghĩ sao? Chúng ta phải hành động như thế nào bây
giờ?
Lê Mai hỏi ngược lại:
_ Tiểu bối cũng...
Thình lình Nhật-Hồ quát lên một tiếng, lão tung mình tới, tay phóng một chiêu
chưởng như sét nổ. Chưởng mang theo một đám phấn độc, chụp xuống đầu Ngô An-Ngữ.
Ngô An-Ngữ ẩn sau Lê Mai, ông tuyệt không ngờ Nhật-Hồ lão nhân nhận ra mình. Dù
bị tấn công bất ưng, không hổ là đệ tử thứ tư của Trần Tự-An, An-Ngữ tung mình
lên cao tránh thế chưởng quái ác. Nhưng Nhật-Hồ đổi chiều, hướng chưởng lên
trên, trong khi đó Vũ Linh-Nguyện, Lê Tấn, Vũ Hào mỗi người cùng phóng vào người
ông hai thanh nga mi kiếm.
An-Ngữ chơi vơi trên không, tay rút kiếm gạt nga mi kiếm. Ông chỉ gạt được bốn
thanh, còn hai thanh một trúng ngực, một trúng vai ông. Ông quát lên một tiếng
đá gió một cái, người bật ra xa Nhật-Hồ lão nhân để thoát khỏi kình phong ác
chưởng. Nhưng lão di chuyển theo đánh một chưởng nữa, trong khi Linh-Nguyện,
Vũ-Hào, Lê Tấn cùng rút kiếm đâm ông. An-Ngữ chơi vơi trên không, bị trúng
chưởng mạnh quái ác cùng ba thanh kiếm, người ông bắn lên cao, rồi rơi xuống
đất.
Nói thì chậm, chứ trên thực tế diễn biến xẩy ra quá đột ngột, khiến đội cung thủ
đạo Đằng-hải phản ứng không kịp. Bấy giờ đội cung thủ mới ra tay. Thấy trò
Nhật-Hồ vung tay gạt, rồi trở về trận mình. Lão ra lệnh cho giáo chúng tấn công
vào đạo Đằng-hải. Đám giáo chúng đứng nhìn Nhật-hồ tấn công một Đô-thống của
cánh quân bạn thì cho rằg lão muốn trừng phạt viên tướng này, nên họ không chuẩn
bị. Bây giờ thấy chúng thấy lão ra lệnh tấn công, thì ngơ ngơ ngác ngác. Trong
khi đó Lê Mai đã ra lệnh cho quân lùi lại, chĩa cung tên chờ sẵn.
Thế là sau cái chết của Ngô An-Ngữ, hai đạo Đằng-hải không còn vờ theo quân phản
loạn nữa, mà dàn ra trong tư thế đối nghịch. Quân phản loạn chỉ còn cửa Đông,
dàn trận trong thế tuyệt vọng. |