Anh Linh Thần Võ                                                                Yên-tử cư-sĩ Trần Đại-Sỹ
 
HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI LĂM

Công chúa Huệ-Nhu

 

Tự-Mai, Lê Văn đang mải xem trận đấu giữa Sử-vạn với Trương Ngọc, Khiếu Tam Bản với Tôn Tiết, thì có tiếng nói của Bảo-Hòa:
_ Phải theo dõi, nếu Trương Ngọc, Tôn Tiết bị trúng độc, hai em nhất thiết đề phòng cẩn mật bằng không Sử, Khiếu tấn công nhà vua. Trường hợp này hai em dùng hết khả năng đánh như vũ bão, khiến chúng phải xử dụng Chu-sa ngũ độc chưởng. Hai em đẩy chất độc về người chúng, rồi bắt chúng khai ra tất cả bí mật cung đình nhà Tống.
Trương Ngọc càng đánh, chưởng lực càng mạnh. Trong khi đó Sử-Vạn tuổi cao, sức yếu, y cứ phải lui hoài. Thình lình Sử-vạn hít hơi dài đánh ra một chưởng không có gió. Trương Ngọc tưởng y tuyệt chân khí, đánh ra chiêu dương kình ụp lên đầu y. Hai chưởng gặp nhau đến bộp một tiếng. Sử-vạn bật lên tiếng cười nhảy lui lại. Trong khi đó Trương Ngọc cảm thấy cánh tay lạnh buốt, cái lạnh truyền dần lên vai vào thân khiến y run lên bần bật.
Trương Ngọc đưa tay nhìn, cánh tay y tím bầm. Y quát lên:
_ Huyền âm độc chưởng.
Sử-vạn Na-vượng cười khoái chí:
_ Huyền âm độc chưởng thì đã sao?
Định-vương Nguyên-Nghiễm bước ra hỏi Sử-vạn:
_ Thì ra người. Khi Sở-vương Nguyên-Tá hoăng. Ta điều tra, thấy cơ thể người lạnh cứng, tím bầm, thì biết rằng bị trúng Huyền-âm độc chưởng. Chưởng này tuyệt tích đã lâu, không ngờ người biết xử dụng.
Vương gằn từng tiếng:
_ Bấy lâu, trong nội cung có không biết bao nhiêu vụ án do Huyền-âm độc chưởng gây ra. Tất cả đều là mi chăng?
Sử-vạn cười nhạt:
_ Phải thì sao? Không phải thì sao?
Từ phía tôn thất có ba người vọt mình ra, vây Sử-vạn Na-vượng vào giữa. Đó là ba người còn trẻ. Khai-Quốc vương hỏi Định-vương:
_ Đại ca! Ba người đó là ai vậy?
_ Chúng là con của huynh trưởng Nguyên-Tá tước phong Sở-vương tên gọi Duẫn-Thăng, Duẫn-Tín, Duẫn-Thành.
Sử-vạn Na-vượng cười nhạt:
_ Cái thây ma bệnh hoạn của cha các người mới chết. Bây giờ các người muốn thay thế phải không? Lại đây, lại đây, ta cho các người nếm mùi Huyền-âm độc chưởng.
Biết mình không phải đối thủ của Sử-vạn Na-vượng, ba thiếu niên đến trước Định-vương quỳ gối:
_ Thúc phụ. Suốt đời phụ vương chúng cháu bệnh hoạn, oan khuất đau khổ chỉ vì tên này. Bây giờ gian nhân hiện hình trước mặt, mà bọn cháu vô tài, đành trông vào thúc phụ.
Định-vương nói với Khai-Quốc vương:
_ Nhị đệ! Ngu huynh không muốn dùng số đông bắt hai tên ma đầu Sử-vạn, Khiếu. Bao nhiêu oán hờn gây rạn nứt trong nội cung bản triều đều do Huyền-âm độc chưởng cả. Mong nhị đệ vì ngu huynh kiềm chế tên này. Kiềm chế y, để ánh sáng rọi vào những rạn nứt trong nội cung.
Khai-Quốc vương vẫy tay gọi Sử-vạn Na-vượng:
_ Sử-vạn tiên sinh. Trên đường từ Kinh-châu về đây, tiên sinh làm nhục sứ đoàn Đại-Việt quá đáng. Song cô-gia không chấp, vì tiên sinh tuân chỉ dụ của Thái-hậu mà làm. Cô-gia cùng sứ đoàn không thể dùng võ công với tiên sinh, vì trên đường đi sứ đại quốc, mà xử dụng võ công là vô phép. Nhưng bây giờ Thái-sư tuyên chỉ cho cô-gia phải giữ tiên sinh lại. Cô-gia mong tiên sinh thứ lỗi.
Sử-vạn cười nhạt:
_ Ôi nhục quốc thể. Lão phu nghe anh hùng tộc Việt đại hội Thăng-long tôn Khai-Quốc vương làm minh chủ, thế mà nay cúi đầu tuân lệnh quan nhà Tống sai khiến, bắt người đồng bào ư? Ta không phục.
Trong khi y nói, mọi người mải theo dõi, thình lình y vọt người lên cao phát chưởng đánh về phía hậu điện, nơi chỉ có hai thị vệ đứng gác. Bình, bình. Hai thị vệ bị bắn tung sang bên cạnh. Nhanh nhẹn, Sử-vạn tung mình vọt ra khỏi điện. Nhưng y vừa đụng chân xuống đất, thì suýt chạm phải một người. Người đó chặn mất lối đi, thân hình người đó sát vào người y.
Kinh hoảng, y đẩy hai chưởng về trước, rồi nhảy lùi lại sau. Nhưng người kia theo sát y như bóng với hình. Thủy chung mặt người này vẫn gần chạm người y. Y nhảy lùi liền ba bước. Người này di chuyển thân mình đứng sát người y như cũ. Y vội lộn liền ba vòng, rồi đứng dậy. Rút cuộc y lại trở về giữa sân Sùng-chính điện.
Bấy giờ mọi người mới nhận ra người đó là Trần Bảo-Dân. Không ai biết lý lịch chàng ra sao, ngoài sứ đoàn Đại-Việt với Yến Thù. Họ chỉ biết chàng là nhân viên sứ đoàn mà thôi. Chàng vái Khai-Quốc vương, rồi lui lại phía sau.
Sử-vạn Na-vượng cười nhạt. Y nói bằng tiếng Việt:
_ Người Việt có câu: Khôn ngoan đá đáp người ngoài. Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau. Chúng ta là người Việt, là con cháu Âu-Cơ, thế mà các người tuân lệnh bọn Tống hại ta ư?
Một thiếu phụ khoan thai bước ra, chỉ tay vào mặt Sử-vạn:
_ Sử-vạn Na-vượng. Ngươi xuất thân là hoàng-đệ Lão-qua quốc-vương. Nhưng ngươi chối bỏ tổ tiên tộc Việt, tôn bọn khùng Mã-Mặc, Lệ-Anh. Đó là tự ngươi làm chứ có ai ép ngươi đâu? Ngươi ẩn thân ở hoàng cung triều Tống, làm không biết bao nhiêu điều ác đức, tội ngươi cao như núi. Hôm nay ngươi còn dám đem tinh thần tộc Việt ra lung lạc chúng ta ư?
Mọi người nhìn ra, thì là vương phi Thanh-Mai. Vương phi khoan thai đến đối diện với Sử-vạn, nàng tiếp:
_ Thái-sư nhờ Khai-Quốc vương bắt ngươi, không phải Thái-sư thiếu cao thủ võ công cao hơn ngươi, mà theo đạo lý tộc Hoa-Việt từ muôn năm truyền lại. Ngươi không hiểu ư? Để ta dạy dỗ cho ngươi biết.
Triều Tống thấy vương phi Thanh-Mai chỉ là một thiếu nữ hai mươi tuổi, xinh đẹp, mảnh mai, mà dám đối diện trách cứ tên đại ma đầu như Sử-vạn Na-vượng. Ngôn từ của nàng rõ ra bậc cha mẹ dân, lên tiếng dạy dỗ Sử-vạn, thì đều khâm phục nàng can đảm khác thường.
Thanh-Mai tiếp:
_ Khi đứa con ông Giáp, sang phá phách vườn nhà ông Ất. Ông Ất không thể đánh đứa trẻ đó, mà phải mách ông Giáp, để ông Giáp trị tội con mình. Đấy là đạo lý dân gian. Còn về phương diện quốc gia, Thái-sư cùng Khai-Quốc vương đã ước hẹn với nhau cách nay mấy tháng ở Khúc-giang rằng: Khi người Việt làm tội rồi chạy qua bên Tống. Tống trao trả cho Đại-Việt trị. Ngược lại người Tống phạm tội, chạy qua Đại-Việt. Đại-Việt phải bắt trao trả cho Tống trị tội. Nay ngươi là người Việt, phạm tội với Tống, nên Thái-sư để Khai-Quốc vương trị tội người.
Thanh-Mai nói câu đó, mục đích gỡ sĩ diện cho Định-vương cùng triều thần Tống. Nhưng cũng có nghĩa là: Đất Lão-qua thuộc tộc Việt, và Khai-Quốc vương đang thống lĩnh vùng đất này.
Sử-vạn Na-vượng cười gằn:
_ Con nhãi kia. Khi lão phu cùng Nhật-Hồ lão nhân lập ra Hồng-thiết giáo, danh trấn thiên hạ, thì cha ngươi còn là một hài nhi chưa sạch máu đầu. Mi có lùi lại ngay không? Bằng mi chậm trễ lão phu cho mi một chưởng thịt nát xương tan bây giờ?
Thanh-Mai cười nhạt:
_ Đông-phương sứ giả! Ta muốn được kiến thức Chu-sa ngũ độc chưởng cùng Huyền-âm độc chưởng của người. Người hãy vận độc công đi, ta phát chưởng đây.
Mọi người thấy Thanh-Mai dám đối diện với Sử-vạn đã cho là ghê gớm. Bây giờ họ nghe nàng công khai thách y dùng độc chưởng đấu với nàng. Ai cũng kinh hãi nín thở.
Nàng vung tay vận tất cả bình sinh công lực, phát chiêu Phong đáo sơn đầu đánh thẳng vào mặt Sử-vạn Na-vượng. Áp lực chưởng phong cực kỳ trầm trọng. Đám võ quan vội nhảy lui lại để khỏi bị nghẹt thở. Trần Trung-Đạo, Vương-Văn lạng mình tới trước đám văn quan, vung chưởng hóa giải kình lực.
Nhà vua cảm thấy choáng váng, nhưng không kịp rời khỏi ngai vàng. Lê Văn vội vòng tay ra chiêu Thiên-vương trấn thiên, lập tức kình lực chỉ thoảng qua trước mặt nhà vua như gió thổi.
Sử-vạn Na-vượng vội phát chiêu Huyền-âm độc chưởng đỡ. Rầm một tiếng, người y bay bổng lên cao, rơi trước mặt Thiệu-Thái. Thiệu-Thái phất tay một cái, người y đáp xuống đất nhẹ nhàng. Tuy vậy y cũng cảm thấy khí huyết trào lên cổ. Y oẹ một tiếng, máu ri rỉ ra quanh mép.
Đám võ quan cùng nhìn nhau kinh hãi:
_ Tộc Việt thực lắm nhân tài. Một thiếu phụ trẻ đẹp thế kia, ai ngờ võ công cao đến như thế? Đại-Tống ta so sao bằng?
Tự-Mai nhảy ra chặn trước Thanh-Mai:
_ Chị hai. Thân thể chị cao quý biết mấy, tại sao lại nhẹ thể xử dựng võ công với tên ma đầu này. Để em bắt nó.
Thanh-Mai nói với em:
_ Em bắt y, rồi lệnh cho y phải khai hết sự thực về tội trạng trong quá khứ.
Tự-Mai dạ một tiếng. Chàng vọt mình tới phóng chưởng tấn công Sử-vạn Na-vượng bằng chiêu Phong-ba hợp bích. Bình một tiếng, Sử-vạn Na-vượng cảm thấy kình lực của y bị bật ngược trở về. Cánh tay y như bị muôn ngàn con kiến cắn. Y kinh hãi:
_ Tên ôn con này biết xử dụng thần công Đông-a phản Chu-sa độc chưởng đây. Ta phải dùng Huyền-âm chưởng đối phó với nó mới được.
Trong khi đó, Khai-Quốc vương dùng lăng không truyền ngữ rót vào tai Tự-Mai:
_ Em nghe đây. Nếu Sử-vạn xử dụng Chu-sa độc chưởng, thì em dùng phản Chu-sa của bố chế ra mà bắt y. Còn y dùng Huyền-âm độc chưởng, thì dùng thần công Yên-Lãng, hút hết nội của lực y.
Tự-Mai nhớ lại bố chàng đã giảng:
"Xưa trong trận đánh đồi Vương-sơn ở Trường-sa võ công của công chúa Yên-Lãng thua xa Trần Nghi-Gia. Sau nhờ Tăng-giả Nan-đà truyền Thiền-công, mà bà thắng y thị, rồi thắng luôn cả chồng y."
 
Nay Sử-vạn xử dụng Huyền-âm độc chưởng, thì phải dùng thần công Yên-Lãng mới trị nổi. Chàng phát chưởng tấn công như vũ bão.
Vừa lúc đó, một tiếng ái lanh lảnh phát ra. Mọi người nhìn lại: Tôn Tiết đang ôm tay run rẩy. Thì ra y bị trúng Chu-sa độc chưởng. Trong khi Khiếu Tam Bản tung mình sang phía văn ban, định chạy khỏi điện. Y vừa đáp xuống, thì bị một võ quan chặn ngay trước mặt. Suýt nữa y chạm vào người vị võ quan kia. Kinh hoảng y đẩy ra một chưởng. Võ quan kia cười nhạt một tiếng vung tay gạt chưởng của y. Binh một tiếng, người y bật tung lên cao.
Bấy giờ mọi người mới biết võ quan đó là Vương-Văn, Tổng-lĩnh thị vệ. Họ kinh ngạc vô cùng:
_ Đô đốc thủy quân Tương-giang Động-đình tuy võ công cao thực, không lẽ đến độ này? Hèn gì Hoàng-thượng cử y giữ chức Tổng-lĩnh thị vệ cũng phải.
 Vô tình Khiếu Tam Bản đáp ngay trước mặt Tôn Đản. Chàng vung tay đẩy ra chiêu Loa-thành nguyệt chiếu. Thấy chưởng lực Tôn Đản mạnh kinh người, Khiếu vội vung tay đỡ. Bình một tiếng người y bay bổng trở lại giữa điện. Mọi người vỗ tay hoan hô.
Nhà vua ban chỉ:
_ Nếu ứng sinh Tôn Đản bắt được Khiếu Tam Bản, khanh ưng hoa khôi nào, trẫm sẽ gả cho.
Tôn Đản đánh liền ba chưởng. Bình, bình, bình. Chàng khai diễn cuộc đấu với Khiếu Tam Bản.
Lê Văn hỏi sẽ nhà vua:
_ Tâu bệ hạ. Hồi nãy Thái-sư nói, Huyền-âm độc chưởng đã gây ra không biết bao nhiêu vụ án trong hoàng cung. Nội dung những vụ án ấy ra sao?
 
Ghi chú,
Theo Tống sử quyển 245 trang 8693-8695, thì Tống Thái-tông có chín con trai. Con đầu lòng tên Đức-Sùng sau cải là Nguyên-Tá tự Duy-Cát, do Nguyên-Đức hoàng hậu sinh ra. Tướng mạo Nguyên-Tá giống hệt vua Thái-Tông, nên được yêu thương vô cùng. Vương học văn, học võ đều thành. Hồi còn niên thiếu theo vua cha tùng chinh Thái-nguyên, U-tô. Năm mười hai tuổi cho ra ở Đông-cung, phong Kiểm-hiệu thái-phó, Đồng-trung thư môn hạ bình chương sự, Hàn-vương. Năm sau cải phong Kiểm-hiệu thái úy, Sởû-vương.
Khi chú là Tần-vương Đình-Mỹ đánh giặc bị vây ở Bồ-lăng, vương đơn thương độc mã cứu chú. Ai cũng khen là anh hùng. Sau Đình-Mỹ bị Tể-tướng Triệu Tấn vu hãm, phẫn uất mà chết. Vương thương tiếc qúa thành bệnh. Niên hiệu Ung-hy thứ nhì (Ất-Dậu, 985) nhân tiết Trùng-dương, chư vương đều được triệu đến hội yến. Riêng vương bị bỏ quên. Vương than : Các người đều đi dự yến. Mình ta thì không. Ta chắc sẽ bị phế.
 Một đêm có thích khách nhập cung. Vương đấu với thích khách. Bị trúng một Huyền-âm độc chưởng. Từ đó vương phát cuồng. Một lần vương châm lửa đốt cung khuyết, bị phế làm thứ dân, an trí tại Quân-châu. Trong khi đang trên đường đi an trí, mới tới Quảng-sơn thì tể tướng Tống Kỳ cùng các quan dâng sớ xin ân xá. Vua Thái-Tông ban chiếu gọi về cho ở Nam-cung, sai người canh giữ.
Vua Thái-Tông phong con thứ nhì là Nguyên-Hy làm Đông-cung thái tử thay anh. Năm sau, Ung-hy thứ ba ( Bính-Tuất, 986) tháng mười một, ngày Kỷ-Hợi, Nguyên-Hy nhập triều sớm, thình lình bị một thích khách tấn công vào đầu, mê man bất tỉnh, rồi chết. Triều đình không tìm ra thủ phạm là ai. Ngự y khám cho biết thái tử bị trúng Huyền-âm độc chưởng. Vua Thái-Tông truy phong làm Chiêu-Thành thái tử.
Vua Thái-Tông có ý phong Nguyên-Nghiễm làm Đông-cung. Nhưng Nguyên-Nghiễm từ chồi. Vua bèn phong cho con thứ ba làm Đông-cung thái tử, tức vua Chân-Tông.
Khi vua Chân-Tông lên ngôi, mới phục hồi chức tước cho Nguyên-Tá làm Tả kim-ngô vệ thượng tướng quân, Kiểm-hiệu thái sư, tước Sở-vương. Vương cáo bệnh không vào triều.
Năm trước đây, tức niên hiệu Thiên-Thánh thứ năm (Đinh-Mão, 1027) mùa Hạ, tháng năm, ngày Quý-Hợi. Vương biết mình bệnh khó qua, cho con mời em là Định-vương Nguyên-Nghiễm tới bên giường bệnh. Vương cầm tay em:
_ Suốt cuộc đời ta hàm oan. Mà mối oan khuất không thể giải, vì chính phụ hoàng kết tội. Ta đành cắn răng chịu đựng, giả cuồng trong bấy lâu. Ta phấn đấu để tìm cho ra thủ phạm. Chứ ta không hề bệnh tật gì cả. Cho đến nay ta sáu mươi hai tuổi, mới tìm ra đầy đủ. Nhưng tuổi cao, sức cùng lực kiệt , nên đành trao mối hận này cho hiền đệ. Mong hiền đệ giải oan cho ta, diệt kẻ thù.
Trước đây Định-vương tuyệt không bao giờ nghĩ anh mình bị hàm oan. Vì hàng tháng, khi trăng tròn, vương lại đến thăm anh một lần. Lần nào Sở vương cũng nói xàm, hoặc ngủ ly bì. Bây giờ nghe anh nói, vương kinh hoảng:
_ Thì ra anh ta giả cuồng để kẻ thù không đề phòng.
Sở vương nói:
_ Khi ta bị gian nhân đánh một Huyền-âm chưởng, nhằm niên hiệu Ung-hy thứ nhất. Như hiền đệ biết, chưởng này nguyên phát xuất từ phái Liêu-Đông, đã tuyệt tích từ lâu. Bấy giờ Nguyên-Hằng (Chân-Tông) mười tám tuổi. Ta chẳng biết gian nhân thuộc loại người nào. Phụ hoàng tìm thầy thuốc khắp thiên hạ, không ai trị khỏi.
_ Đại huynh nói bị oan khuất. Thế oan khuất ra sao?
_ Khi ta lên cơn đau đớn, người lạnh run lên, nào còn biết gì nữa? Chúng đổ rượu cho ta uống say li bì, rồi đem ta để ngoài cung cùng với đá lửa, bổi cháy một nửa, rồi chúng đốt cung. Mọi người thấy cung phát hỏa, đến chữa cháy...
Định-vương giật bắn người lên:
_ Phải rồi, khi người ta khám phá ra đại ca say rượu nằm bất tỉnh, tay cầm đá lửa, với bổi, thì kết luận rằng đại ca đốt cung. Chối sao được?
_ Đúng vậy. Phụ hoàng trong cơn nóng giận cách hết chức tước của ta, ta thành thứ dân, rồi đầy đi Quân-châu. Sau Tể-tướng Tống Kỳ cùng triều thần dâng biểu xin tha tội. Phụ hoàng gọi ta về, nhưng giam ở Nam-cung như tù nhân. Ta không có dịp nào minh oan, đành âm thầm tự trị bệnh. Ta biết gian nhân lúc nào cũng rình rập hại ta, nên ta giả cuồng, để dành tấm thân mai hậu.
_ Thế nhị ca Nguyên-Hy cũng do một thủ phạm hại hay sao?
_ Đúng thế. Cho đến khi tam đệ lên ngôi, ta biết rằng mối nguy đã qua. Từ đấy ta âm thầm điều tra thủ phạm. Cuối cùng đã tìm ra manh mối.
_ Như vậy chẳng hóa ra thủ phạm ám hại đại ca, nhị ca là muốn cho tam ca lên ngôi vua hay sao?
_ Đúng thế. Nếu bấy giờ phụ hoàng lập hiền đệ làm Thái-tử. Hung thủ cũng hại hiền đệ.
_ Y là ai vậy?
_ Hiền đệ thử đoán xem?
_ Đệ đoán không ra.
Sử-vương thở dài:
_ Hiền đệ đoán không ra cũng phải. Người chủ mưu chính là Lưu hậu.
Định-vương giật bắn người lên:
_ Không lẽ. Khi đại ca bị ám hại, Lưu hậu mới mười sáu tuổi, bấy giờ còn là một cung nữ hầu tam ca. Bản lĩnh y thị đâu có làm bao mà ám toán được đại ca? Lại nữa võ công Lưu hậu là võ công Hoa-sơn, đâu có liên quan gì tới Huyền-âm độc chưởng? Hơn nữa Lưu hậu ám toán đại ca với mưu đồ gì?
Sở-vương thở dài:
_ Chính vì những lý do đó, mà cả triều đình đều không ngờ tới y thị, thành ra y thị mới đắc chí tung hoành.
_ Xin đại ca giảng giải rõ hơn.
_ Ta hỏi hiền đệ câu này nhé: Từ trước đến giờ đã ai biết lý lịch, gốc tích y thị ra sao chưa? Y thị tự khai lờ mờ: Tổ tiên làm tướng dưới triều nhà Chu rồi tử trận. Y thị phải làm tỳ nữ cho họ Lưu, nên lấy họ Lưu. Hiền đệ ơi. Bất cứ con người ta ở hoàn cảnh nào, khi đắc chí cũng nghĩ đến tổ tiên. Tại sao khi y thị lên ngôi Hoàng-hậu không đưa tên tổ tiên ra để được thụ phong như luật định? Chính vì điểm này ta mới nghi ngờ, rồi tìm ra manh mối.
Vương thở dài:
_ Còn vấn đề khi ta bị ám toán, y thị mới có mười sáu tuổi, làm sao y thị hại được ta ư? Ta nghi y thị nhờ một người khác, mà cho đến nay ta không tìm ra tên tuổi.
_ Nếu vậy ắt có một thế lực nào đó lớn lắm, đưa y thị vào nội cung, chứ không phải bình thường đâu.

_ Đúng thế! Hồng-thiết giáo Đại-Việt đã làm truyện đó!
_ ???
_ Y thị gốc người Việt, cha là Lê Lục-Vũ, mẹ là Nguyễn Tuyết-Minh. Lê Lục-Vũ làm hộ pháp, còn Nguyễn Tuyết-Minh làm Bắc-phương sứ giả trong Hồng-thiết giáo Đại-Việt. Tên thực y thị là Tăng Tuyết-Minh sau đổi thành Thúy-Minh. Nhưng chính Nguyễn Thúy-Minh lại cho rằng Lưu hậu là con Nhật-Hồ lão nhân. Vì Thúy-Minh là vợ Lê Lục-Vũ, nhưng Nhật-Hồ đôi lần dùng thị làm cây thuốc. Vì vậy khi có thai, Thúy-Minh không quyết đoán y thị là con ai. Lúc y thị sáu tuổi, Hồng-thiết giáo sai giáo chúng tên Lưu Cung-Mỹ cư ngụ dưới chân núi Hoa-sơn nuôi dưỡng, dối rằng mua trẻ mồ côi về làm nô bộc. Rồi y thị được một đạo sư phái Hoa-sơn nhận làm đệ tử. Y thị ngang vai với Hoa-sơn ngũ lão: Trung ương Đặng Đại-Bằng và Đông, Tây, Nam, Bắc lão nhân. Khi y thị mười lăm tuổi, Lục-Vũ sai Cung-Mỹ đem về kinh, rồi tìm cách tiến cung cho ta, không thành. Y lại tìm cách tiến cung cho nhị đệ, cũng thất bại. Cuối cùng y thành công với tam đệ.
_ Mưu sâu thực.
_ Đúng thế. Trong bóng tối Nguyễn Thúy-Minh, Lê Lục-Vũ, Tôn Đức-Khắc, Sử-vạn Na-vượng, Khiếu Tam Bản khống chế gia tướng, quản gia tại vương phủ của tam đệ, hầu đặt y thị vào địa vị được sủng ái nhất. Chúng có âm mưu đưa tam đệ lên ngôi vua. Vì vậy chúng ám toán ta với nhị đệ. Còn truyện sau thế nào hiền đệ biết rồi.


Trận đấu giữa Tự-Mai với Sử-vạn Na-vượng sang đến chiêu thứ một trăm vẫn bất phân thắng bại. Tự-Mai tuy thu được công lực của hai đại cao thủ, nội công của chàng hơi trội hơn Sử-vạn Na-vượng một chút. Nếu như muốn giết y, chàng cứ thẳng tay, thì dễ dàng thành công. Nhưng vì Khai-Quốc vương muốn chàng bắt sống Sử-vạn, nên chàng cứ phải đánh cầm chừng chờ y sơ hở.
Chợt có tiếng Thông-Mai rót vào tai chàng:
_ Bỏ Sử-vạn, tấn công Khiếu ba chưởng, rồi quay lại tấn công Sử-vạn.
Tự-Mai hiểu ông anh mình hơn ai hết: Thay vì bảo chàng ngừng tay cho Sử-vạn vận Huyền-âm độc chưởng, để có thể dùng thần công của công chúa Yên-Lãng hút nội lực y. Thông-Mai khuyên chàng chuyển tấn công Khiếu vì thấy Tôn Đản khó thắng địch thủ.
 Chàng hít hơi, vận Thiền-công Yên-Lãng xuất chiêu Ác-ngưu nan độ đánh xéo vào hông Khiếu Tam Bản, giữa lúc Tam Bản đang đỡ chiêu Nguyệt-quang Loa-địa. Bị hai chiêu một lúc, Tam Bản bay tung lên cao, người quay tròn như chong chóng. Tôn Đản không tha, chàng chĩa tay điểm liền hai chỉ vào huyệt Hoàn-khiêu, Kiên-ngung của Khiếu. Y rơi xuống nền điện đến bộp một tiếng.
Nhờ lúc Tự-Mai tấn công Khiếu Tam Bản, Sử-vạn Na-vượng vận Huyền-âm độc chưởng tấn công Tự-Mai. Chàng vung tay đỡ. Bộp một tiếng, hai người lảo đảo lui lại. Hơi lạnh ngập điện. Đám võ quan kêu lên:
_ Huyền âm độc chưởng.
Tự-Mai vội vận thần công Yên-Lãng. Chàng quay lại nói với ba người con Sở-vương:
_ Ba vị Quốc-công hãy nhìn tiểu bối trả thù cho tiên vương.
Chàng phát chiêu Ngưu tẩu như phi. Sử-vạn thấy Tự-Mai đang từ võ công Đông-a chuyển sang võ công Tản-viên, y hơi bỡ ngỡ một chút thì chưởng phong đã tràn ngập. Y vung tay đỡ. Vù một tiếng, chưởng của Tự-Mai như gió thoảng qua, nhưng kình lực của Sử biến mất. Kinh hãi Sử phát liền ba chiêu, Tự-Mai ung dung dùng Phục-ngưu thần chưởng trả đòn.
Đứng ngoài nhìn trận đấu Trần Trung-Đạo lo lắng nói với Thanh-Mai:
_ Công lực Tự-Mai với Sử-vạn ngang nhau, trong khi Sử-vạn xử dụng võ công Trường-bạch tiêu hao rất ít công lực. Còn Tự-Mai xử dụng Phục-ngưu thần chưởng, tiêu hao công lực nhiều vô cùng. Nếu dằng dai mãi e Tự-Mai nguy mất.
Thanh-Mai nói nhỏ:
_ Bảo-Hòa với anh Thông-Mai giả làm thị vệ, cung nữ đang lược trận, ắt nhận ra điều đó. Hai người dặn Tự-Mai làm như thiếu kinh nghiệm, hẳn có chủ ý.
Quả nhiên sau sáu mươi chiêu, Tự-Mai cứ phải lùi dần. Sử-vạn cười lớn:
_ Tên ôn con kia, lĩnh Huyền-âm độc chưởng này.
Y đánh ra một chiêu rất thô kệch. Tự-Mai xoè tay ra đỡ. Bộp một tiếng, hai chưởng dính liền nhau. Tự-Mai vận thần công Yên-Lãng hút nội lực Sử-vạn. Trong khi Sử-vạn đắc ý dồn Huyền-âm chưởng sang hại chàng. Thế là hai người đấu nội lực. Sử-vạn thấy nội lực mình tuôn ra cuồn cuộn, y đắc chí:
_ Thằng ôn con này lĩnh Huyền-âm độc công ta, thì chỉ lát nữa hóa thành băng mà chết.
Nhưng khoảng nhai dập miếng trầu, y thấy nội lực mình tuôn ra mỗi lúc một mạnh. Y cảm thấy như có gì bất ổn, muốn thu nội lực lại, mà không được. Y định giật tay ra, nội lực càng tuôn mau hơn. Qua một khắc nữa, thấy nội lực y kiệt quệ. Tự-Mai đẩy chất độc trở lại người y. Y bắn tung lại sau, mặt tái xanh, chân tay run lẩy bẩy.
Tự-Mai thu tay về, chàng điểm huyệt Đại-trùy của Sử-vạn Na-vượng, rồi một tay túm áo y, một tay túm áo Khiếu Tam Bản để trước nhà vua:
_ Đại-ca bệ hạ. Tuân chỉ dụ của đại ca, đệ bắt hai gian nhân kính nộp lên đại ca để nhận thưởng.
Sử-vạn Na-vượng run bần bật:
_ Đau quá. Ôi đau chết mất.
Tự-Mai hỏi:
_ Người hãy khai thực: Ai hại Sở-vương? Ai hại Chiêu-Thành thái tử?
_ Ta không nói. Người giết ta đi.
_ Ta không giết người, mà để cho độc tố hành hạ người đến chết. Ngươi đã từng dùng Huyền-âm chưởng hại người. Nay ngươi nếm mùi cho biết.
Quần thần hiện diện, dù văn, dù võ; dù thuộc trung lương, dù theo Lưu hậu thấy Sử-vạn Na-vượng, Khiếu Tam Bản bị kiềm chế, đều cảm thấy nhẹ nhõm. Suốt bao năm qua hai tên Sử, Khiếu như bóng ác quỷ chập chờn đe dọa. Khi thì chúng nhân danh Lưu hậu, khi thì chúng tự tác, gây ra không biết cơ man oán hờn.
Đám võ quan, cùng các ứng sinh phò mã thấy võ công Tự-Mai, Tôn Đản đều tỏ vẻ khâm phục:
_ Công khai mà đấu, ai có thể tranh dành với hai thiếu niên này?
Nhà vua nói với Tôn Đản:
_ Trẫm hứa ai bắt được một trong hai tên này, ưng hoa khôi nào, trẫm sẽ gả cho. Vậy Tôn thiếu hiệp ưng ai ?