Sau hơn nửa tháng dùng đường thủy, sứ đoàn Đại-Việt tới mới
Tương-dương. Bảo-Dân tỏ ra thông thạo đường lối. Y nói:
_ Bây giờ chúng ta lên bộ đi bằng xe ngựa. Sau một ngày tới Tân-dã,
nghỉ đêm tại đây, rồi ta lại đi Nam-dương. Nam-dương đối với Trung-nguyên là đất
thiêng, vì đã sản xuất ra nhiều nhân tài, trong đó có Gia-cát Lượng, một vị tể
tướng nức tiếng thời Tam-quốc.
Địa đanh Tương-dương, Tân-dã, Nam-dương đối với Khai-Quốc vương,
Thanh-Mai, Mỹ-Linh thì rất quen thuộc. Vì cả ba đã đọc Bắc-sử thời Tam-quốc. Còn
Thiệu-Thái, chàng chưa từng nghe đến bao giờ. Tuy vậy, chàng tự nhủ:
_ Địa danh Trung-nguyên mình không thuộc là lẽ thường. Mình cũng
chẳng cần thắc mắc.
Vì vậy chàng không hỏi han gì cả. Bảo-Dân cho thuyền đậu tại ngoài
Phàn-thành. Y nói:
_ Tương-dương là nơi phát xuất ra võ phái dương cương, đường đường
chính chính từ đời Tần-Hán. Thời Đông-Hán có chín đại tướng danh tiếng nhất xuất
thân phái này. Chín người được vua Quang-Vũ ban cho cái mỹ danh là Tương-dương
cửu hùng. Họ từng giao chiến với các anh hùng thời vua Trưng.
Mỹ-Linh đã thuộc làu sử Lĩnh-Nam. Nàng hỏi:
_ Có phải chín người đó là Sầm Bành, Mã Vũ, Cảnh Yểm, Tế Tuân, Tang
Cung, Lưu Hân, Lưu Long, Đoàn Chí, Phùng Tuấn không?
_ Đúng thế.
Khai-Quốc vương nhìn Bảo-Dân tủm tỉm cười:
_ Tương-dương cửu hùng thực ra chỉ có tám người. Vì Mã Vũ đâu phải
là người Hán, ông là người Việt mà. Ông có tên Chu Kim-Hựu, vốn thuộc phái
Cửu-chân. Cũng như hiện nay, danh sĩ Trung-nguyên không ngớt ca tụng Tương-giang
tam tuyệt. Có ai ngờ đâu họ lại là Côi-sơn tam anh của Đại-Việt.
Bảo-Dân giật bắn người lên. Vì cách đây hơn mười năm, ba đại đệ tử
của Côi-sơn đại hiệp Trần Tự-An là Trần Phụ-Quốc, Trần Bảo-Dân, Trần Trung-Đạo
võ công cực kỳ cao thâm, bản lĩnh không thua Đại-Việt ngũ long làm bao. Bấy giờ
người người đều truyền tụng:
Trên trời có ngũ long.
Dưới đất có tam-anh.
Ngụ ý nói tài Côi-sơn tam anh chỉ dưới có Đại-Việt ngũ long mà thôi.
Ngoài võ công ra, Phụ-Quốc nổi danh bút mặc văn chương, cử bút thành
thơ. Bảo-Dân nức tiếng âm nhạc. Đến nỗi phái Sài-sơn có hơn nghìn năm chuyên về
nhạc, mà cũng phải tấm tắc khen tài. Trung-Đạo nổi danh về họa. Rồi giang hồ
không hiểu sao ba người đều tuyệt tích. Họ có ngờ đâu sư phụ sai ba người sang
Trung-nguyên lập hệ thống tế tác, phòng quân Tống sang đánh Đại-Việt.
Cả ba cùng hoạt động ở vùng Trường-giang, Tương-giang, rồi họ được
danh sĩ Trung-nguyên tặng cho mỹ tự Tương-giang tam tuyệt. Không ai ngờ
Tương-giang tam tuyệt với Côi-sơn tam anh lại là một. Bây giờ thình lình
Khai-Quốc vương nói ra, làm Bảo-Dân kinh ngạc.
Mỹ-Linh biết Bảo-Dân bồi hồi trong lòng vì lời nói của chú mình.
Nàng hỏi Kim-An một câu, để Bảo-Dân quên đi:
_ Khấu sư thúc này. Trong Tương-dương cửu hùng thì Sầm Bành bị
Bắc-bình vương Đào Kỳ giết. Tang Cung, Lưu Hân bị Thiên-ưng lục tướng bắt cho
chim ưng ăn thịt. Đoàn Chí bị công chúa Gia-Hưng chém trên biển Đông. Cản Yểm bị
giết tại điện Vị-ương. Rút cục chỉ còn Lưu Long, Phùng Tuấn, Tế Tuân không rõ
sau ra sao?
_ Tôi cũng không nhớ nữa. Chỉ biết rằng hầu hết những anh hùng thời
Đông-Hán đều chết vì tướng của vua Bà. Đau nhất là Sầm Bành bị giết ở
Dương-bình-quan.
Xin đọc Anh-hùng Lĩnh-Nam, Động-đình hồ ngoại sử, Cẩm-khê di hận, của Yên-tử
cư-sĩ, do Nam-á Paris x.b.
Nàng hỏi chồng:
_ Chúng ta có lên bờ dạo chơi không?
Bảo-Dân đưa mắt hỏi Khai-Quốc vương. Vương cười:
_ Nên chứ. Ta là sứ đoàn Đại-Việt mà. Ta cứ đường đường chính chính
dạo chơi. Bất quá quan quân Tống có hỏi, ta đưa thẻ bài ra, họ phải hộ tống ta
về Biện-kinh là khác. Có điều ta không nên dụng võ.
Sáu người lên bờ. Lập tức đám trẻ con rước khách cho phu xe chào đón
đon đả. Kim-An thuê hai xe ngựa. Khai-Quốc vương, Thanh-Mai, Thiệu-Thái đi một
xe. Người đánh xe xưng tên là lão Cố. Mỹ-Linh với vợ chồng Bảo-Dân đi một xe.
Người đánh xe tự xưng tên là lão Xa. Hai xe nối đuôi nhau vào thành. Hôm ấy trời
lất phất mưa, gió thổi lạnh buốt, ngoài đường vắng bóng người đi.
Xe sang của Tây, mưa càng nặng hạt. Màn cả hai xe đều phải đóng kín.
Xe đang đi, thình lình phải đứng lại. Phu xe nói vọng vào:
_ Xin quý khách cảm phiền, vì phía trước có người tụ tập đông quá,
xe đi không được.
Mỹ-Linh hỏi:
_ Họ tụ tập làm gì vậy?
_ Thưa, họ xem bảng văn. Bảng văn yết thị tầm nã tội phạm.
Tò mò Mỹ-Linh thò đầu ra ngoài nhìn. Bất giác nàng gật bắn người
lên, vì bảng văn của quan kinh-lược sứ Kinh-châu yết thị cho ai bắt được năm tội
phạm có hình dưới sẽ được thưởng trăm lượng vàng. Nhưng bảng văn không biết rõ
tên tuổi tội phạm là gì. Trong hình năm tội phạm, một người giống hệt Bảo-Hòa.
Một người giống hệt Thông-Mai. Phía dưới ba hình, Lê Văn, Tôn Đản, Tự Mai.
Khai-Quốc vương kinh ngạc, vương nói bằng tiếng Việt:
_ Không hiểu sao năm người này để lộ chân tướng. Nay có lệnh truy nã
thực khó mà hành động.
Thanh-Mai an ủi chồng:
_ Dường như họ chỉ thấy người, mà không biết rõ lý lịch. Ta truyền
tin bảo họ thay đổi y phục, hoá trang đi một chút ai mà biết được?
Khai-Quốc vương lắc đầu:
_ Không cần, không nên làm thế. Anh thấy trong vụ này có điều gì bí
ẩn. Vì bảng văn do Kinh-lược sứ truy tầm chứ không phải triều đình. Như vậy có
nghĩa phạm trường xẩy ra trong thành Tương-dương. Nhưng Bảo-Hòa, Tự-Mai, Tôn
Đản, Lê Văn chưa từng đến đây.
Nét mặt Vương cương quyết hơn:
_ Chúng ta đi sứ. Hai lần triều Tống cử người hộ vệ ta đều không làm
tròn nhiệm vụ. Lần này chính hai lão Tôn, Lê quẳng ta tại núi Tam-sơn. Bây giờ
Kinh-lược sứ Kinh-châu cáo thị truy tầm người của sứ đoàn. Như vậy tức y làm
nhục quốc thể. Xưa nay sứ thần dù phạm tội gì, chỉ Hoàng-đế mới được phán xét.
Có đâu kinh lược sứ vô phép? Thôi được bây giờ chiều rồi. Mai ta vào gặp kinh
lược sứ chất vấn y cũng chưa muộn.
Xe đi khắp thành, chỗ nào cũng thấy niêm yết cáo thị tầm nã. Bảo-Dân
truyền lệnh cho phu xe:
_ Người đưa chúng ta đến một tửu lầu nào đi.
_ Thưa khách quan, có một tửu lầu danh tiếng tên Hán-dương, nhưng
lại ở về phía Tây-thành đến năm dậm. Nếu khách quan không chê xa, lão xin đưa
đến.
_ Được người dẫn chúng ta đến đó đi.
Xe ra khỏi thành, hướng về phía Tây. Thanh-Mai để ý thấy thỉnh
thoảng trong xe có mùi u hương bốc lên ngào ngạt. Nàng dùng lăng không truyền
ngữ hỏi Thiệu-Thái:
_ Thiệu-Thái! Trên xe cháu có gì lạ không?
_ Cháu thấy dưới nệm xe để một chiếc khăn ướt tẩm hương ngũ-hoa, thì
biết chúng muốn hạ độc mình, nhưng còn e dè. Vì vậy chúng cho mình ngửi hương
ngũ hoa trước. Sau đó mới phóng độc tố. Chất độc này hơi giống Di-hồn. Không lẽ
bọn chúng thuộc phái Côn-lôn. Vì trước đây Đoàn Huy bị trúng thất trùng ngũ hoa
rồi truyền sang mợ.
_ Công lực Thiệu-Thái cao, vậy cháu hãy dùng lăng không nói cho
Mỹ-Linh bên xe kia biết mà đề phòng. Nếu thấy vợ chồng nhị sư huynh ngủ gục,
mình cũng vờ trúng độc xem tụi nó định làm gì.
_ Cháu đã báo rồi. Ngặt một điều Kim-An không đủ công lực chống với
độc tố, e bị hại.
_ Không sao.
Thanh-Mai dùng lăng không truyền ngữ nói với chồng:
_ Mình nên để yên, hay lột mặt nạ tên đánh xe này?
Nghe vương phi hỏi, Khai-Quốc vương tự chửi thầm:
_ Mình đáng chết thực, vì đang mải lo nghĩ về nội loạn trong nước,
mà thiếu thận trọng. May mà Thanh muội nhận ra cái khác lạ của gã đánh xe.
Vốn thận trọng vương trả lời:
_ Cứ chờ xem y định dở trò ma trò quỉ gì. Em thấy y có hành vi nào
khác lạ không?
_ Nhiều lắm. Thứ nhất, phía Tây thành Tương-dương không có tửu lầu
Hán-dương. Y nói cách thành năm dặm, mà nãy đến giờ đã quá mười dặm rồi. Điểm
nghi ngờ thứ nhì là hơi thở của y dài, nhỏ như tơ liên miên bất tuyệt. Như vậy y
có nội lực thâm hậu vô cùng. Anh có để ý thấy họ dùng ngũ-hoa hương tẩm vào khăn
để dưới xe cho mình ngửi trước, rồi hạ độc sau không?
_ Em nói anh mới biết.
Nàng dùng lăng không truyền ngữ hỏi Mỹ-Linh:
_ Mỹ-Linh thấy gã đánh xe có gì khác lạ không?
_ Y là một đại cao thủ, nội công thâm hậu vô cùng. Chú hai định sao?
_ Bề gì chúng cũng chỉ có hai người. Nếu cần ta điểm huyệt kiềm chế
chúng, đâu có khó.
Mỹ-Linh hỏi lão Xa:
_ Ban nãy lão nói tửu lầu ở phía Tây thành năm dậm. Nãy giờ xe đi có
tới mười dặm, mà sao chưa thấy?
Lão chỉ vào một rừng ven con sông nhỏ:
_ Kìa! Tửu lầu Hán-dương kìa. Quan khách hãy nhìn xem có lớn không?
Mỹ-Linh nhìn lên, chẳng thấy gì cả, trong khi mùi hương ngào ngạt từ
cổ tay lão bay ra. Biết lão phóng độc, nàng vội vận công chống trả.
Đến đây Kim-An gọi chồng:
_ Anh ơi! Tại sao chân tay em lại vô lực thế này.
Bảo-Dân cũng cảm thấy chân tay tê dại. Biết bị trúng độc, nhưng nội
lực y hùng hậu, nên thuốc chưa ngấm vào cơ thể. Y ra chiêu Cầm-long trảo chụp
lão Xa. Lão Xa vọt mình lên cao tránh khỏi. Bảo-Dân đứng dậy, y đánh ngựợc lên
chiêu Phong-ba hợp bích. Lão Xa đánh xuống mợt chưởng, nội lực hùng hậu vô cùng.
Mỹ-Linh thấy công lực lão cao hơn bọn trưởng lão Lạc-long giáo nhiều. Trong
chưởng có mùi hôi tanh khủng khiếp.
Mỹ-Linh than thầm:
_ Thì ra hai lão này luyện Chu-sa Nhật-hồ độc chưởng. Không biết lão
thuộc bang Nhật-hồ Trung-quốc hay thuộc Hồng-thiết giáo Đại-Việt. Một điều đáng
lo là không rõ chúng có biết nói tiếng Việt không. Nhất định chúng không phải là
người Hoa rồi, vì chúng nói tiếng Hoa hơi ngọng.
Trong khi Mỹ-Linh nghĩ thì chưởng Bảo-Dân với lão Xa đụng nhau, binh
một tiếng người lão Xa bay bổng lên cao. Sau khi đánh hai chiêu, thuốc độc ngấm
mau chóng, người Bảo-Dân rơi xuống xe. Lão Xa đáp xuống nhẹ nhàng. Lão cười nhạt
nói với Mỹ-Linh bằng tiếng Việt:
_ Công chúa điện hạ. Nghe nói nội công cùng kiếm pháp công chúa cao thâm vô
cùng. Nên anh em lão phải thỉnh đại giá công chúa bằng thuốc ngũ-hương di-hồn
nhuyễn cân. Làm như vậy thực là vô lễ. Mong công chúa đại xá.
Mỹ-Linh mỉm miệng cười:
_ Tiên sinh khỏi cần đánh thuốc độc. Chú cháu tôi đi sứ, nên tuyệt
đối không dùng võ công trên đất Tống. Tiên sinh ơi! Khi chúng tôi không xử dụng
võ công thì tiên sinh đánh thuốc chi cho mệt? Hai vị Tôn Đức-Khắc, Lê Lục-Vũ đã
từng đùng thuốc nhuyễn cân với chúng tôi. Chúng tôi có chống lại đâu?
Lão Xa chỉ Bảo-Dân hỏi:
_ Công chúa! Dưới tay cường tướng vô nhược binh. Công chúa làm cách
nào mà thu phục được gã này. Công lực gã thực khó có ai đạt được ngang hàng.
Bảo-Dân bị trúng Chu-sa độc chưởng. Y đau đớn vô cùng, nhưng vốn can
đảm, y nghiến răng chịu vận công chống độc, chứ nhất định không rên la.
Lão Xa nói một mình:
_ Nội công của y là thứ tà môn giống như Thiếu-lâm. Nhưng hung dữ vô
cùng. Chiêu Cầm-long trảo biến hóa thực kỳ diệu. Còn chiêu võ đánh ngược lên cao
giống như Kim-cương ban nhược chưởng của Thiếu-lâm, mà sát thủ thực kinh người.
Nghe giọng điệu lão Xa, Mỹ-Linh nghĩ thầm:
_ Tên này tin theo Hồng-thiết kinh, luận điệu giống Nhật-Hồ lão nhân
đây. Tiên, Thánh, Thần, Phật đối với y đều thuộc ma quỷ hết. Dường như y không
biết nhiều về võ công Đại-Việt. Y thấy võ công Đông-a giống võ công Tiêu-sơn.
Trong khi võ công Thiếu-lâm cũng giống võ công Tiêu-sơn. Y nhận lầm võ công
Đông-a với Thiếu-lâm là một.
Lão Xa không nói, không rằng, cho xe chạy vào khu đất hoang. Bên xe
kia Khai-Quốc vương, Thanh-Mai, Thiệu-Thái cũng giả vờ ngồi bất động trên xe.
Lão Cố cũng cho xe chạy theo xe lão Xa.
Lão Cố nhìn lão Xa cười ha hả:
_ A ha, không ngờ chúng ta thành công dễ dàng thế nhỉ. Bọn này trúng
Di-hồn nhuyễn cân ngũ hoa phấn, ít nhất mười ngày mới cử động được. Trong thời
gian đó ta cho xe chạy thực mau, có thể tới Biện-kinh.
_ Bây giờ ta cho cả sáu đứa này vào trong chiếc xe lớn, để lên
đường. Có nên trói chúng lại không?
_ Không nên, vì trói chúng, dọc đường quan quân khám xét, hỏi han
lôi thôi lắm. Ta cứ đặt chúng ngồi bên nhau, rồi cho xe chạy thì hơn.
Thiệu-Thái hỏi lão Cố:
_ Lão là ai? Tại sao lại đánh thuốc độc bọn ta?
_ Bọn lão phu nói tên chắc thế tử cũng không biết đâu. Anh em lão
phu có việc cần tới Khai-Quốc vương, nên phải nghênh đại giá bằng lối này, quả
thực vô phép. Nhưng biết làm sao hơn?
Lão Cố hú một tiếng dài. Từ trong vườn, một chiếc song mã lớn, trên
có một thiếu niên đánh xe chạy ra. Gã chắp hai tay lại để lên trán, rồi cúi đầu
hành lễ với hai lão Cố, Xa:
_ Đệ tử kính cẩn ra mắt nhị vị giáo chủ.
Nghe thiếu niên gọi hai lão bằng giáo chủ, cả sứ đoàn đều ngơ ngác
tự hỏi:
_ Rõ ràng hai lão này xử dụng Nhật-hồ độc chưởng, như vậy chúng
thuộc Hồng-thiết giáo. Trung-quốc Hồng-thiết giáo hoạt động dưới danh nghĩa bang
Nhật-hồ. Chỉ Đại-Việt mới có Hồng-thiết giáo, giáo chủ là Nhật-Hồ lão nhân. Vậy
hai lão này là giáo chủ nào nữa?
Lão Cố hỏi thiếu niên:
_ Người tên gì? Báo danh di.
_ Đệ tử tên Bủa Khảm thuộc đạo Vạn-tượng.
_ Người cho xe chạy vào thành mau, bằng không trời tối đến nơi rồi.
Thanh-Mai dùng Lăng-không truyền ngữ hỏi Thiệu-Thái:
_ Nhị sư ca bị trúng Chu-sa độc chưởng. Thiệu-Thái nghĩ xem để lâu
có hại không?
_ Công lực nhị thúc rất cao, nên dù bị trúng độc chưởng, mà hiện giờ
chưa thấy phát tác. Cháu định giải độc cho nhị sư thúc, không biết có nên không?
_ Khoan! Thiệu-Thái nói cho nhị sư ca biết trước. Bằng không khi
được giải độc, người lại dùng võ thì hỏng bét.
Lão Cố cầm roi ngựa rung lên, roi quấn vào Mỹ-Linh. Lão giật roi một
cái người nàng bay sang chiếc song mã, rơi xuống ghế êm ả, giống như đặt nàng
ngồi vậy. Tiếp theo tới Thanh-Mai, Kim-An. Lão Xa dùng ưng trảo nhắc Khai-Quốc
vương, Thiệu-Thái, Bảo-Dân bỏ sang xe lớn. Vô tình lão đặt Thiệu-Thái, Bảo-Dân
cạnh nhau. Thiệu-Thái làm như người trúng độc, tay vô lực, chàng để lòng bàn tay
lên đùi Bảo-Dân, rồi vận công chuyển sang người y .
Bảo-Dân kinh lịch giang hồ nhiều, y bị trúng Chu-sa Nhật-hồ độc
chưởng đau đến toát mồ hôi lạnh. Song bản tính gan lỳ, y cắn răng vận công chịu
đựng, chứ nhất định không rên la.
Thình lình y thấy Thiệu-Thái để tay lên đùi, rồi chân khí cuồn cuộn
tràn vào người y. Chân khí chạy đến đâu, cái đau biến mất đến đó. Trong khi ấy
tiếng Thanh-Mai nói như rót vào tai y :
_ Sư huynh ơi! Thiệu-Thái giải độc cho sư huynh. Vậy sư huynh đừng
chống lại. Sau khi hết đau đớn, sư huynh phải làm như mình vẫn còn bị độc tố
hoành hành. Chúng ta cần im lặng, xem hai lão này định làm gì.
Khoảng nhai dập miếng trầu, bao nhiêu cái đau đớn trên người Bảo-Dân
biến mất. Y giả vận công chống dau.
Lão Cố hỏi Khai-Quốc vương:
_ Vương gia! Vương gia thử đoán xem lão phu là ai? Tại sao lão phu
lại vô phép như thế này?
Khai-Quốc vương thản nhiên:
_ Hai vị với cô gia vốn cùng tộc Việt với nhau. Tại sao lại phải cúi
đầu làm đương sai cho Lưu hậu.
_ Nhưng vương gia đã biết anh em lão phu là ai đâu?
Khai-Quốc vương cười nhạt tỏ vẻ dung thứ. Thanh-Mai cười khúc
khích:
_ Nhị vị giáo chủ thực không thông thế tục chút nào hết. Phu quân
tôi vì đi sứ nên không thể dùng võ công. Chứ cái gọi là Nhật-hồ độc chưởng chúng
tôi có coi ra gì?
Nàng nhìn lão Cố:
_ Sử-Vạn vương gia, công lực đến như Nhật-Hồ, Lê Ba, Nhất-Trụ, mà
chúng tôi còn trị được. Huống hồ vương gia chỉ là một Đông-phương sứ giả của y.
Lão Cố kinh hãi đến rụng rời chân tay. Thanh-Mai nhìn lão Xa:
_ Khiếu tiên sinh. Đối với Đại-Việt, tiên sinh là Nam-phương sứ giả
Hồng-thiết giáo, nay sao tiên sinh lại tự xưng là giáo chủ Hồng-thiết của sắc
dân Khờ-me. Tôi nói thế có đúng không?
Đến lượt lão Xa kinh sợ. Chiếc roi ngựa trên tay lão suýt rơi xuống
đất. Lão lắp bắp, giọng đã có đôi phần khách sáo:
_ Bằng cách nào vương phi nhận ra anh em lão phu.
Thanh-Mai chỉ lão Cố nói với Mỹ-Linh:
_ Vị này tên thực là Sử-Vạn Na-vượng con thứ ba tiên vương Lão-qua.
Vương gia nức tiếng võ công đệ nhất trong nước. Vì không được truyền ngồi vua,
vương gia bỏ sang Đại-Việt, mưu ngoại viện. Vương gia gặp Nhật-Hồ lão nhân, được
lão nhân truyền Hồng-thiết thần công, rồi phong cho làm một trong ngũ sứ
Hồng-thiết giáo, giao nhiệm vụ phát triển giáo chúng vùng Lão-qua. Sau khi giáo
chúng Lão-qua có cơ sở, Nhật-Hồ lão nhân thưởng công cho vương gia bằng cách
truyền Hồng-thiết tâm pháp để có thể giải vĩnh viễn Nhật-hồ độc chưởng. Từ đấy
vương gia tách ra, thành lập Hồng-thiết giáo Lão-qua, tự phong làm giáo chủ,
không phụ thuộc Nhật-Hồ lão nhân nữa. Gần đây, vương gia được Lưu thái hậu phong
cho làm Kiểm hiệu thái phó, Tĩnh hải tiết độ sứ, Đồng bình chương sự,
Nam-phương tĩnh lự công thần, Lão-qua quận vương. Thực ấp vạn hộ. Thực-phong ngũ
thiên hộ. Nhưng vương gia chưa vừa lòng, muốn được kiêm cả vùng Đại-lý.
Nàng chỉ Khiếu Tam-Bản:
_ Còn vị này tên Khiếu Tam-Bản, được phong Thái-tử thiếu bảo,
Nam-hải tiết độ sứ, Đồng bình chương sự, Khai-phủ nghị đồng tam tư, Chân-lạp
quận vương. Thực ấp vạn hộ, thực phong tam thiên hộ.
Nàng nói tiếp:
_ Quốc vương triều Sà-phạt có ba con trai. Con đầu lòng tên Phủ-mỹ
Na-vạn, do một hoàng hậu gốc Việt sinh ra. Khi mới lọt lòng Phủ-Mỹ Na-Vạn đã
được phong làm Thái-tử. Na-Vạn tính tình hiền hậu, rất được lòng dân chúng. Khi
phụ vương băng hà, ông lên nối ngôi làm vua. Con thứ tên Phủ-Vạn-Nặc Phụ-Mã, con
một thứ phi người Chân-lạp sinh ra. Phủ-Vạn-Nặc, văn võ kiêm toàn, luôn tìm
ngoại viện với Xiêm-la, Đại-Việt, Đại-lý, Trung-nguyên để cướp ngôi anh. Y lại
khéo chiêu hiền nạp sĩ, nên dưới tay y có nhiều nhân tài. Khi anh y sắp băng hà,
gọi y lại trao phó việc mai sau, mong y phò tá con côi. Phủ-Vạn là Phật-tử rất
thuận thành. Do vậy y giao du với Nguyên-Hạnh. Nguyên-Hạnh khích y cướp ngôi
cháu. Nhưng y sợ oai triều Lý, không dám ra tay. Nguyên-Hạnh khuyên y nên theo
Tống. Khi được sắc phong của Tống, triều Lý sẽ không dám đem quân trừng phạt khi
y cướp ngôi vua. Y được Triệu Thành tấu với triều đình phong cho chức tước.
Nhưng âm mưu của y bị Khu-mật viện Đại-Việt khám phá ra. Trong đại hội Lộc-hà,
Thuận-Thiên hoàng đế đem tất cả thư tín, cùng vàng bạc y cống Tống tặng lại y. Y
kinh hoảng, bỏ Tống trở về với Đại-Việt.
Nàng cười giòn dã:
_ Hoàng tử thứ ba tên Sử-vạn Na-vượng, do một cung nữ sắc dân Thái
sinh ra. Vốn có sức khỏe, y sớm trở thành thiên tài võ học. Y nghĩ rằng: Lão-qua
tuy nằm trong tộc Việt, nhưng toàn sắc dân người Thái. Sinh mẫu y là người Thái,
vì vậy y mới xứng đáng lên ngôi vua. Y sang Đại-Việt tìm hậu thuẫn với Lê triều,
y kết hôn với một thiếu nữ Việt. Nhưng triều Lê từ chối. Y đang thất vọng, thì
gặp Nhật-Hồ lão nhân. Lão nhận y làm sư đệ, truyền Hồng-thiết kinh cho y, rồi
phong y làm Đông-phương sứ giả.
Nàng chỉ Khiếu-tam-bản:
_ Khiếu Tam-Bản trước đây đã sang Tống du học, văn hay, chữ tốt. Một cơ duyên
may đến với y. Y gặp Nhật-Hồ lão nhân. Y được lão kết huynh đệ, truyền
Hồng-thiết công cho. Y trở về Chân-lạp truyền bá Hồng-thiết giáo. Hồng-thiết
giáo của y đi đến đâu giết người đến đó. Khắp xứ Chân-lạp chỗ nào cũng trở thành
điêu tàn, tưởng như tuyệt diệt.
Nàng lắc đầu:
_ Còn Sử-vạn, sau khi liên kết với Tam-Bản. Y trở về Lão-qua truyền
giáo. Thế lực của y cực lớn. Đến nỗi quốc vương phải phong cho y tước vương, cho
giữ chức Thái-phó, coi toàn bộ binh lực. Nhật-Hồ lão nhân khen ngợi, truyền
Hồng-thiết tâm pháp cho y, hầu y có thể giải vĩnh viễn Nhật-Hồ độc chưởng cho
giáo chúng. Được Hồng-thiết tâm pháp rồi, y bèn tách khỏi Hồng-thiết giáo
Đại-Việt, lập ra Hồng-thiết giáo Lão-qua, do y làm giáo chủ.
... Trong khi đó Khiếu Tam-Bản cũng thành công ở Chân-lạp. Cũng được
truyền Hồng-thiết tâm pháp. Tam-Bản thấy Sử-Vạn Na-Vượng tách khỏi Hồng-thiết
giáo Đại-Việt lập Hồng-thiết giáo riêng. Y cũng bắt chước, tự xưng giáo chủ.
... Vì sắc dân Thái sống khắp Đại-lý, Lão-qua, Xiêm-la, nên
Hồng-thiết giáo của Sử-Vạn Na-Vượng có tổ chức khắp ba nước. Nhân sau đại hội
Lộc-hà, thấy anh hùng tộc Việt tôn Khai-Quốc vương làm minh chủ, trong việc
thống nhất. Y xin Khiếu Tam-Bản giúp đỡ, tổ chức đại hội võ lâm Vạn-tượng, làm
lễ giỗ công chúa Nguyệt-Đức Phùng Vĩnh-Hoa, mục đích nêu cao ngọn cờ thống nhất
sắc dân Thái, để tôn y làm minh chủ. Nhưng trong đại hội, y bị võ phái
Thiên-tượng của Đoàn Huy, võ phái Tha-nôm của Rát-ta-Na phá tan. Y bèn cùng
Khiếu Tam-Bản lộn trở sang Tống tìm ngoại viện.
... Giữa lúc đó Lưu hậu bắt buộc phải phong chức tước cho Chu
Bội-Sơn, Đào Tường-Phúc, sai trấn ở ngoài. Bà thiếu chân tay võ công cao ở trong
để làm những truyện bí mật. Bà phong cho y với Khiếu Tam-Bản chức tước, rồi sai
đi khống chế bá quan văn võ. Chỉ thời gian ngắn hai lão lập được biết bao công.
Bà trao cho Sử-vạn Na-Vượng chức Trấn-quốc đại tướng quân, Tổng-lĩnh thị vệ. Còn
Khiếu Tam-Bản được phong Hoài-hóa đại tướng quân, lĩnh chức Bắc-ban nội phẩm,
phụ trách thị vệ Cấm-thành.
... Cách đây mấy ngày, tin tức từ Đàm-châu tâu về triều việc Chu
Bội-Sơn, Đào Tường-Phúc bị một thế lực bí mật bắt mất mười trưởng lão bang
Nhật-hồ. Hai lão mất tích cùng sứ đoàn. Lưu hậu cho rằng việc này do Định-vương
ra tay. Bà vội sai y lên đường tìm sứ đoàn, bằng mọi cách đem sứ đoàn về triều.
Sử-vạn tưởng võ lâm Hoa-Việt không ai biết y. Nào ngờ bây giờ y với
Khiếu Tam-Bản bị Thanh-Mai nói đúng lý lịch. Dù trời mùa Đông, mồ hôi y cũng vã
ra.
|