NHỮNG BẢO TÀNG KỲ LẠ Ở NƯỚC MỸ

 

 

Bảo tàng những nhân vật nổi tiếng

Nói về những người nổi tiếng, một bảo tàng ở bang California sẽ giới thiệu cho chúng ta về vị vua của những người cao bồi, Roy Rogers và vợ của ông, Dale Evans. Họ là những người rất nổi tiếng trong những bộ phim cao bồi chiếu trên truyền hình trong thập kỷ 40, 50 của thế kỷ 20. Những người này giúp cho linh hồn của những người cao bồi miền Tây nước Mỹ sống mãi. Những kỷ vật về Roy Rogers và Dale Evans được trưng bày rất nhiều tại bảo tàng này: những bộ quần áo, mũ của miền tây, các bức thư, ảnh... thậm chí chú ngựa Trigger của Even Roy cũng được nhồi trấu trưng bày tại đây. Đây là một trong những thứ nổi tiếng nhất tại bảo tàng Roy Rogers-Dale Evans.

Bảo tàng về James Dean

Một bảo tàng có bộ sưu tập lớn nhất thế giới liên quan đến nam diễn viên nổi tiếng James Dean. Bảo tàng James Dean nằm ở Fairmount, Indiana - nơi Dean sinh trưởng. James Dean là một ngôi sao điện ảnh vào những năm 1950. Tuy chỉ tham gia trong 3 bộ phim "East of Eden" (Vườn Địa đàng), "Rebel without a cause" (Nổi loạn không lý do) và phim "Giant" (Người khổng lồ) nhưng anh được rất nhiều khán giả yêu điện ảnh của nước Mỹ biết đến. Bảo tàng James Dean được dựng từ 12 năm trước đây để tưởng nhớ diễn viên tài ba này. James Dean bị chết trong một tai nạn xe ôtô năm 1955 lúc anh mới 24 tuổi.

Bảo tàng đất bụi

Có một bảo tàng rất lạ ở Masachusetts, Mỹ, tập hợp một thứ rất phổ biến nhưng không phải là thứ bạn muốn ǎn, cũng không phải là thứ bạn muốn nó hiện hữu trong nhà bạn. Bảo tàng này mang tên "Bảo tàng Đất bụi". Bảo tàng có trên 300 hộp chứa bụi đất từ khắp nơi trên thế giới. Những bụi đất này được lấy từ quê hương của những nhân vật nổi tiếng hoặc những địa danh nổi tiếng. Ví dụ như bụi đất từ Graceland, quê hương của ông hoàng nhạc Rock'n' Roll Elvis Presley, hay như cát đỏ từ Nome, Alaska có chứa vàng, đất từ đỉnh núi Phú Sĩ của Nhật Bản, đất từ sân bóng chày Yankee ở thành phố New York.

Bảo tàng về quá trình lịch sử của ma túy

Có một bảo tàng đặc biệt như vậy với tên gọi bảo tàng Drug Enforcement Administration. Bảo tàng này thuộc bang Virginia, chuyên trưng bày về quá trình lịch sử của chất ma tuý. Khách thăm quan bảo tàng gồm đủ các tầng lớp nhưng nhiều nhất vẫn là học sinh các trường phổ thông. Các cuộc trưng bày của bảo tàng khởi đầu từ cuộc chiến tranh thuốc phiện vào thế kỷ 19. Cho đến nay, bảo tàng vẫn tiếp tục trưng bày về thuốc phiện tại Nam Mỹ.

Bảo tàng cũng trưng bày một số vật dụng của những kẻ buôn lậu ma tuý. Tại đây khách thăm quan sẽ được tận mắt nhìn thấy một khẩu súng lục có gắn kim cương của một tổ chức tội phạm. Ngoài ra cũng có những bức ảnh của những nhân vật nổi tiếng đã từng sử dụng ma tuý như nhạc sĩ Jimi Hendrix, nhạc sĩ Janis Joplin. Cả hai người này đều bị chết do sử dụng quá liều ma tuý.

Bảo tàng trưng bày những bức hoạ xấu

Một bảo tàng nghe có vẻ rất lạ tai nhưng cũng hết sức thú vị: bảo tàng nghệ thuật các tác phẩm xấu. Bảo tàng thuộc bang Massachusetts gần Boston trưng bày trên 200 bức họa xấu một cách thậm tệ. Scott Wilson là người đầu tiên có ý tưởng mở ra bảo tàng này. Ông tìm thấy bức tranh đầu tiên của bảo tàng trong số những đồ thừa bỏ đi trên phố Boston. Đây có thể là bảo tàng nghệ thuật duy nhất ở Mỹ nơi các nhân viên của bảo tàng sẽ rất hài lòng khi khách đến thǎm phát biểu ý kiến rằng những bức tranh ở đâu quả thật là xấu.

Bảo tàng vật dụng y tế

Có một số bảo tàng khác ở Mỹ trưng bày các vật dụng y tế. Một trong số đó là Bảo tàng Quốc gia Nha khoa của bác sĩ Samuel D. Harris. Bảo tàng này nằm ở trường Đại học Maryland thuộc Baltimore. Đây là trường Đại học đầu tiên trên thế giới đào tạo các nha sĩ. Khách đến thăm bảo tàng sẽ thấy được lịch sử của quá trình chữa trị trong nha khoa. Khách thăm cũng sẽ được chứng kiến những dụng cụ chữa bệnh "ghê người" trước kia người ta đã sử dụng để nhổ răng sâu. Tại đây cũng trưng bày bộ răng làm bằng xương động vật. Bộ răng này được làm cho một người rất nổi tiếng - Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ George Washington.

Bảo tàng trợ thính

Một bảo tàng khác có tên "Bảo tàng trợ thính" nằm tại trường Đại học Kent State thuộc bang Ohio lại là nơi tập hợp những thiết bị trợ thính của con người. Bảo tàng lưu giữ trên 3000 dụng cụ trợ thính trên thế giới. Những dụng cụ này rất cổ xưa và cũng rất lạ mắt. Có những dụng cụ được làm giống như những vật dụng thường ngày vì trước kia nhiều người e ngại không muốn cho người khác biết mình dùng vật trợ thính.

Bảo tàng thực phẩm

Ở Mỹ cũng có những bảo tàng dành riêng cho thực phẩm. Bảo tàng Jell-O ở thành phố New York chính là bảo tàng mang tên một thứ bột ǎn rất phổ biến ở Mỹ. Vị của Jell-O giống như vị của hoa quả. Màu của bột cũng thể hiện màu sắc của các loại hoa quả: màu đỏ, da cam, vàng, xanh. Jell-O được làm ra vào năm 1897.

Một bảo tàng khác cũng là nơi giới thiệu về sản phẩm thực phẩm phổ biến - mù tạc. Mù tạc là một gia vị làm từ hạt mù tạc. Người ta dùng gia vị này ăn kèm với đồ ăn từ hàng thế kỷ nay. Bảo tàng Mount Horeb Mustard nằm ở Wisconsin giới thiệu trên 3000 loại mù tạc khác nhau được sản xuất từ các bang của nước Mỹ và một số nước khác. Đến bảo tàng, khách thăm quan sẽ biết mù tạc được làm như thế nào. Tại đây khách cũng sẽ được nếm thử 300 loại mù tạc khác nhau.