Artemis và nghệ thuật Hi Lạp cổ đại

 

 

Trong 12 vị thần mà nhân dân Hi Lạp tôn thờ, mỗi thần đều có một vẻ đẹp riêng của mình. Nhưng thần Artemis là một nữ thần có một vị trí khá đặc biệt. Nữ thần Artemis cũng tức là thần Diana theo tiếng gọi của người La Mã là con gái của nữ thần Leto và thần Zeus và là em song sinh của thần Appolo - thần mặt trời. Đó là nữ thần săn bắn, bảo hộ cho muông thú trong rừng, là nữ thần của cỏ cây hoa lá. Bên cạnh đó người Hi Lạp cổ còn coi Artemis là nữ thần bảo hộ của sinh nở, của trẻ sơ sinh và hạnh phúc gia đình.

Là nữ thần được người dân Hi Lạp rất yêu quí và tôn sùng, hình ảnh Artemis xuất hiện rất nhiều trong những tác phẩm nghệ thuật có quy mô hoàng tráng. Trong các di tích còn lại của thế kỷ trước người ta bắt gặp những bình gốm sứ có vẽ hình nữ thần, những mảng điêu khắc nổi, những truyền thuyết liên quan tới Artemis.

Một trong những di tích đó là Đền thờ Artemis tại thành phố Ephesus. Vào thế kỷ thứ V trước Công nguyên, nhân dân thành phố Ephesus, nay thuộc Thổ nhĩ Kỳ đã xây dựng một ngôi đền tráng lệ để thờ phụng nữ thần Artemis. Ngôi đền theo kiểu kiến trúc Hi Lạp tuyệt đẹp được liệt vào một trong bảy kỳ quan của thế giới Cổ đại.

Về mặt kiến trúc, đền thờ có hình chữ nhật. Trên hai cạnh dài, hai mái dốc của nóc nằm trên một dải bǎng bằng đá được gọi là diềm ngang, trong khi ở mặt trước và mặt sau, tức là hai cạnh ngắn, hai mái đã để lại giữa chúng và diềm ngang một khoảng trống hình tam giác được gọi là diềm mái hình tam giác.

Để cho hợp nữ thần luôn yêu cuộc sống tự nhiên luôn tận hưởng bầu không khí trong lành, ánh sáng chói chang và thiên nhiên hùng vĩ, bầu trời luôn trong xanh của vùng biển Địa Trung Hải, đền thờ là một công trình kiến trúc mở lúc nào cũng tràn ngập ánh sáng và không khí. Trong đền thờ người ta sử dụng những hàng cột làm đường viền ngoài của công trình .

Tại đây có 127 cột đá cao 20 mét được thiết kế theo kiểu Iônic. Artemis nổi tiếng là nữ thần sǎn bắn có tính cách mạnh mẽ. Chính vì vậy các kiến trúc sư đã sử dụng loại cột Iônic là một trong hai loại cột " nữ giới " song mạnh mẽ hơn cột Côrahn.

Trong các kiến trúc Hi Lạp cổ đại thì cột Iônic là loại cột có vẻ ngoài mảnh dẻ. Nó có phần đế cột ở phía dưới và đầu cột hình đệm nhỏ phía trên với những hình xoắn ốc loe ra rồi cuộn vào hai phía trông rất tráng lệ.

Cột Côrahn là một biến tướng của cột Iônic đầu cột có hình trang trí bằng lá ô rô một loại lá phổ biến ở Hi Lạp, trông giống như cái giỏ được bện bằng lá.

Các kiến trúc hình cột Iônic là một kiểu khá thông dụng tại các thành phố vùng Tiểu Á cũng được sử dụng trong nhiều đền đài Hi Lạp như Athena, Erechtheion.

Toàn bộ đền được lát đá hoa cương. Trong đền có tượng các vị thần được tạc bằng đồng.

Ngôi đền với kiến trúc độc đáo có sự phối hợp hài hoà giữa kiến trúc Hi Lạp và Tiểu Á. Những tảng đã hoa cương phẳng lì, những bậc thềm láng bóng, những chiếc cột vạm vỡ, chạm trổ độc đáo tỉ mỉ là toàn bộ công sức của nhân dân và các nghệ sĩ muốn bày tỏ sự tôn kính của mình đối với nữ thần. Công trình lao động kiên trì bền bỉ này đã được thực hiện và hoàn thành sau 120 năm . Vào thời gian đó Ngôi đền Artemis tráng lệ cũng như những huyền thoại về nữ thần săn bắn này được toàn dân Địa Trung Hải và Tiểu Á biết đến và ngưỡng mộ.

Vào năm 356 trước Công nguyên đền thờ bị một người tên là Herostratus đốt cháy. Người này muốn bằng cách này tên tuổi của mình nổi tiếng và luôn được nhắc tới trong lịch sử. Tình cờ thay ngày Herostratus đốt cháy ngôi đền tráng lệ này cũng là ngày sinh của Alexander Đại đế. Và sự kiện này đã được lịch sử La Mã ghi lại như sau: Nữ thần Artemis do quá bận rộn đối với việc Alexander Đại đế chào đời nên không kịp tới giữ đền. Điều này khiến cho hình ảnh của nữ thần Artemis nữ thần bảo hộ của sự sinh nở và trẻ sơ sinh càng trở nên nổi tiếng.

Trong cuộc Đông chinh tới Ấn Độ, lúc dừng chân tại thành phố Ephuse, để tỏ lòng tôn kính của mình đối với nữ thần, Alexander Đại đế đã cùng dân thành Ephuse xây dựng lại ngôi đền.Tuy nhiên kích thước ngôi đền có sự thay đổi. Bề dài của ngôi đền mới là 109 m và bề rộng là 50 m. Phòng trong đền rộng hơn và tượng thần Artemis được mạ vàng. Nền được lát đá hoa, trần của ngôi đền bằng gỗ bá hương, mái bằng đá hoá, Tất cả các loại đá đó đều phần lớn được chuyển từ đảo Sip đến đẹp và sặc sỡ hơn đá tại thành phố Ephuse.

Khách thập phương mang lễ vật quí giá tới dâng lên nữ thần ngày càng đông, vàng bạc châu báu ùn ùn đổ về cất trong kho khiến Artemis nổi tiếng là một kho báu của thế gian.

Và đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến việc ngôi đền không còn cho tới ngày nay. Chiến tranh xảy ra và tin đồn về kho báu của đền Artemis thúc giục lòng tham của nhiều người. Nền bị đào xới và tượng cột bị hạ xuống. Ngôi đền bị phá huỷ hoàn toàn.

Tới thế kỷ 19, một nhà khảo cổ người Anh tên là Vid đã đến tận cửa sông làm công tác khai quật và tìm được dấu vết của đền đài. Ngôi đền được khai quật và dù chỉ còn là những kiến trúc đứt gãy người ta cũng có thể hình dung phần nào sự tráng lệ của ngôi đền trong quá khứ.

Không chỉ được thể hiện trong các tác phẩm kiến trúc điêu khắc hình tượng nữ thần Artemis còn có thể bắt gặp trong nhiều tác phẩm nghệ thuật Hi Lạp cổ. Trong các bức tranh của Hi Lạp ta thường thấy hình ảnh của Artemis trên bức tranh bức tượng như một nữ tú với bộ mặt hiền hậu, đôi mắt tinh anh, mặc bộ đồ quần áo ngắn thuận tiện cho việc đi lại, phù hợp với tính cách của nữ thần. Ngoài ra, người ta còn bắt gặp nhiều bức tranh miêu tả cảnh Thần Artemis với những chú ngựa, chó sǎn, cung tên và ngọn đuốc. Nữ thần săn bắn luôn là đề tài được các hoạ sĩ Hi Lạp cổ đại khai thác triệt để.

Các huyền thoại về Artemis cũng được miêu tả trên nhiều chất liệu

Chẳng hạn như câu chuyện giữa Artemis và Acteon. Arteon là một chàng thợ săn tài giỏi và đẹp trai vô tình đi lạc vào khu hang động cấm nơi các tiên nữ tắm và vui chơi. Chàng đã lỡ phạm tội trông thấy tấm thân ngà ngọc của Artemis. Thế là từ xấu hổ chuyển sang tức giận nàng biến Arteon thành một con hươu và chính đàn chó săn của chàng đã xông vào xé xác chàng.

Câu chuyện kể về Artemis và Acteon đã được các nghệ nhân người Hi Lạp thể hiện trên tranh vẽ, gốm, đồ chạm khắc.

Là em gái của thần Apollo - Thần Mặt trời Thần Artemis còn được coi là thần Mặt Trǎng. Vẻ đẹp thánh thiện với mái tóc vàng của Artemis cũng là một nguồn đề tài của các nghệ sĩ Hi Lạp.

Có thể nói, thần Artemis cũng như những truyền thuyết huyền thoại của nàng đã có ảnh hưởng khá lớn trong nghệ thuật Hi Lạp cổ và còn lại tới ngày nay là cả một kho tàng các tác phẩm nghệ thuật về nữ thần.