Brunei Darussalam: Vương quốc của sự yên bình

 

 

Rời sân bay Bangkok ồn ào và tấp nập, sau 3 giờ bay qua biển Đông, từ cửa sổ máy bay, Brunei từ từ hiện ra với những căn nhà mái đỏ nhấp nhô dưới những hàng cây xanh mướt. Sân bay quốc tế Brunei thật vắng lặng, chúng tôi dễ dàng làm các thủ tục hải quan để vào Brunei, bắt đầu một cua học ba tháng về công nghệ thông tin và nâng cao kỹ năng giao tiếp tiếng Anh do Chính phủ Brunei đài thọ.

Đến với đất nước của màu xanh...

Theo tiếng Malay, Brunei Darussalam có nghĩa là Nơi ở của hoà bình. Diện tích toàn đất nước chỉ gần 6.000km2, trong đó rừng tự nhiên đã chiếm hơn 70% diện tích cả nước. Chúng tôi đến Brunei vào đúng mùa mưa, nên cây cối dường như "mượt mà" hơn sau những trận mưa rào bất chợt... Người ta có lý khi ví Brunei là "hòn ngọc xanh" của Đông Nam Á. Không có những tòa nhà chọc trời, không có những quán cóc bên đường, không có bóng một chiếc xe máy hay xe đạp nào, thật hiếm thấy người rảo bộ trên đường phố... Brunei Darussalam thật yên bình đúng với tên gọi của nó.

Seameo Voctech là trung tâm mà chúng tôi đến ở và học tập. Ấn tượng đầu tiên đọng mãi trong tâm trí chúng tôi là câu nói của người phụ trách Trung tâm khi gặp chúng tôi tại sân bay "hãy thực sự là thành viên của gia đình Voctech và xem Brunei như quê hương thứ hai của mình", thêm vào đó là những nụ cười thân thiện luôn nở trên môi của đội ngũ cán bộ, nhân viên làm việc ở đây đã phần nào giúp chúng tôi nguôi đi nỗi nhớ nhà.

Lần đầu tiên đến Brunei nên ấn tượng nhất với chúng tôi là chuyện giao thông. Ôtô nườm nượp nối đuôi nhau với tốc độ khá cao, nhưng khi đến phần đường giao nhau hoặc gặp đèn xanh đèn đỏ, chủ nhân của những chiếc xe không bao giờ tranh cướp đường, họ kiên nhẫn chờ đợi để đến lượt rẽ vào phần đường của mình. Ngạc nhiên hơn nữa là với một lượng xe chạy khá dày đặc như vậy mà chúng tôi không hề nghe thấy một tiếng còi xe nào. Chúng tôi thắc mắc với anh bạn Ken - một giáo viên người Australia làm việc ở đây và là một "tourist guide" số 1 của chúng tôi - anh bật cười: "Tớ sang bên này đã 4 năm rồi nhưng chưa bao giờ phải dùng đến phím còi cả". Nói xong anh thử bấm rất nhẹ vào phím còi, lập tức những người ngồi trong xe phía trước đều ngoái lại nhìn, anh lẩm bẩm: "Có thể người ta nghĩ là chúng ta bị điên đấy". Ý thức của những người điều khiển xe thật tuyệt vời, khi thấy chúng tôi "ngập ngừng" muốn đi bộ qua đường, họ sẵn sàng dừng lại nhường đường. Hơn thế chúng tôi còn nhận được một nụ cười rất tươi trên gương mặt của người lái xe và cử chỉ ra hiệu rất lịch sự mời chúng tôi sang đường trước...

... của lễ hội truyền thống

Nhiều người biết rõ là trong tháng Ramadhan những người theo đạo Hồi không ăn, không uống từ khi mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn. Vì thế nếu bạn là người nước ngoài có mặt ở đây vào tháng này, để tôn trọng họ, bạn nên tránh ăn uống trước mặt họ. Kết thúc tháng Ramadhan là bắt đầu bốn ngày lễ truyền thống được tổ chức hàng năm của Brunei gọi là Hari Raya Aidilfitri. Ngày đầu tiên của Hari Raya là sự xum họp của con cháu trong gia đình, họ hàng. Sang ngày thứ hai gọi là ngày Mở cửa (Open house), mỗi gia đình đều chuẩn bị các món ăn dân tộc để thết đãi khách và bạn bè đến "xông nhà". Tuy nhiên khi đến nơi bạn nhớ quan sát xem đâu là bàn ăn dành cho phái nữ, đâu là bàn ăn dành cho phái nam nhé, vì theo luật Hồi giáo, trong các bữa tiệc công cộng nam nữ không được ngồi ăn chung cùng bàn (kể cả trong tiệc cưới cũng vậy). Cũng trong ngày thứ hai của lễ này, Hoàng cung Brunei bắt đầu mở cửa trong ba ngày để đón tất cả mọi người vào thăm. Khách thăm có vinh dự được bắt tay Quốc vương, Hoàng hậu cùng các thành viên trong gia đình Hoàng gia... Và đương nhiên anh chị em học viên chúng tôi cũng nhận được may mắn đó.

Có ai đó nói rằng, nếu bạn đến Brunei mà không đến thăm Kampong Ayer thì có nghĩa bạn chưa bao giờ đến Brunei. Đúng vậy, chỉ 10 phút đi bằng thuyền máy từ bất cứ bến thuyền nào trên sông, bạn sẽ tới một ngôi làng trên mặt nước khá rộng và nổi tiếng thế giới, nơi có 600 năm tuổi với gần 500 căn hộ và hàng nghìn người sinh sống. Đây thực sự là biểu tượng của truyền thống văn hóa lâu đời và là niềm tự hào của người dân ở quốc đảo nhỏ bé này.

... và sự đắt đỏ

Cũng đừng quên Brunei là một xứ sở mà giá sinh hoạt rất đắt đỏ. Với nguồn dự trữ dầu khí dồi dào, GDP theo đầu người khá cao nên mức sống người dân cũng cao hơn so với các nước trong khu vực. Tất cả mọi thứ từ nhà cửa, thực phẩm, hàng tiêu dùng, các phương tiện giao thông... đều đắt hơn rất nhiều.

Vào các ngày nghỉ, chúng tôi hầu như chỉ lượn lờ ở các siêu thị, từ mini cho đến super-market. Tuy nhiên, chúng tôi cũng chỉ dám "nâng lên, đặt xuống" ngắm nghía mà thôi, bởi vì cũng một mặt hàng như vậy nếu so với ở Việt Nam thì đắt hơn rất nhiều, nhất là các loại rau xanh, hoa quả, thực phẩm... Đa số các sản phẩm này được nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia... Chúng tôi hơi chạnh lòng khi không nhìn thấy một sản phẩm nào "made in Vietnam" cả, chỉ trừ một thứ duy nhất đó là quả thanh long với tấm bảng đề "from Vietnam" nằm khiêm tốn ở một góc siêu thị...

Tạm biệt Brunei trong trưa nắng chói chang của những ngày cuối năm, khi máy bay bắt đầu cất cánh, tất cả chúng tôi đều nhoài người ra phía cửa sổ để được nhìn toàn cảnh "hòn ngọc xanh" của Đông Nam Á và thầm hy vọng sẽ có ngày được gặp lại. Và ngày đó sẽ có nhiều sản phẩm và người Việt mình trên đất nước tươi đẹp chỉ cách hơn một giờ bay.