Nghệ sĩ trẻ Nhật với sân khấu truyền thống

 
 
 

Trên xứ sở mặt trời mọc, âm nhạc và những điệu vũ gagaku (nhã nhạc) có từ thời xa xưa, điệu Nô có từ thời Trung cổ, Kabuki có từ những năm 1600 - nhưng đến nay chúng vẫn còn được khán giả yêu chuộng. Rất nhiều nghệ thuật trình diễn truyền thống của Nhật được truyền lại qua nhiều thế hệ - từ đời cha tới đời con, từ thầy tới trò. Qua hàng thế kỷ, giới trẻ tiếp bước những bậc thầy của họ.
Kabuki - loại hình sân khấu cổ điển nổi tiếng nhất của Nhật có lịch sử khoảng 400 năm. Ban đầu nó chỉ là một điệu nhảy thông thường của phụ nữ (Kabuki odori), nhưng ngay sau đó đã phát triển thành các vở kịch trên sân khấu, với

 

 diễn viên toàn là nam. Nó độc đáo theo nhiều nghĩa: trang điểm lộng lẫy, trang phục rực rỡ, đạo cụ sân khấu được chuẩn bị công phu, phong cách diễn cường điệu... Vì độc đáo như vậy nên các diễn viên kịch Kabuki phải có rất nhiều kỹ năng, thường họ học theo cách cha truyền con nối.  

Nakamura Kantaro (20 tuổi) sinh ra trong một gia đình mà cụ, ông, cha của anh đều là những diễn viên Kabuki danh tiếng. Được hỏi “chắc anh phải cảm thấy căng thẳng khi gánh vác những truyền thống của một gia đình nổi tiếng ?”, Kantaro trả lời đầy tự tin: “Nếu tôi bắt đầu suy nghĩ về danh tiếng lẫy lừng của cha tôi, ông tôi, ông cố tôi và những người đi trước nữa thì tôi sẽ mãi kẹt cứng trong cái quá khứ đó. Vì thế tôi làm cho mọi việc đơn giản đi bằng cách nghĩ về những gì tôi có thể làm được. Để Kabuki tồn tại được trong những thập niên tới, chúng ta cần phải có thêm nhiều thanh niên đến xem chúng ta diễn ngay từ bây giờ. Vấn đề là ở chỗ giá vé hơi đắt đối với lớp trẻ.

Đó là lý do vì sao tôi nói chuyện với những diễn viên đồng trang lứa xem liệu chúng tôi có thể tự biểu diễn được không - điều đó sẽ làm giảm giá vé đi một ít. Đây là một kế hoạch đáng theo đuổi. Nhiều diễn viên trạc tuổi tôi đều có cá tính mạnh, và nếu chúng tôi có thể cùng góp tài góp sức thì tôi tin chắc Kabuki sẽ hấp dẫn hơn bao giờ hết".

Gagaku, một loại hình ca múa nhạc cung đình xưa nhất của Nhật Bản và hiện là một trong số những loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống độc đáo nhất trên thế giới. Một ban nhạc kangen (gồm nhạc khí để thổi và đàn dây) hợp tấu cùng những điệu múa. Những nhạc cụ chính là: Yokobue (một loại sáo thổi ở cạnh), sho (kèn), hichiriki (một loại ống sáo giống kèn ôboa), biwa (một loại đàn luýt cổ ngắn), so (một loại đàn gảy có 36 dây), và taiko (trống). Gagaku đã không thay đổi mấy trong những thế kỷ qua. Các điệu múa và âm nhạc, những kiểu thiết kế trang phục, nhạc cụ, mặt nạ,... vẫn tồn tại mãi đến ngày nay như là một phần của di sản văn hóa châu á cổ đại. Khoa Âm nhạc của Ban Nghi lễ thuộc nội cung Hoàng gia đã liên tục đào tạo các nhạc công Hoàng gia kế tiếp.

Iwanami Taka’aki (29 tuổi), nhạc công trẻ chơi Yokobue cho biết: “Đây là những truyền thống đã có từ 1.300 năm, nên chúng tôi không thể quyết định thay đổi được. Chúng tôi chỉ là bàn đạp để giúp chúng du hành qua thời gian".

Shamisen - một loại đàn cổ 3 dây dài khoảng 1m, dùng miếng gảy lớn. Đàn được sử dụng trong kịch Kabuki, Bunraku và các loại hình nghệ thuật trình diễn khác. Hai nhạc công Yoshida Royichiro (25 tuổi) và Yoshida Ken-ichi (22 tuổi) hiện đang rất nổi tiếng ở Nhật với tên gọi ban nhạc Anh em Yoshida. Tóc họ nhuộm nâu, tương phản với áo quần truyền thống họ mặc trên sân khấu khi trình diễn Tsugaru-jamisen, một dòng shamisen cổ phát triển ở vùng có tuyết phía bắc Honshu. Hai nhạc công này nổi tiếng nhờ những khúc ứng biến đầy cảm hứng: “Đôi khi, chúng tôi được phụ họa với những loại nhạc cụ khác nhau, như trống của Nhật hoặc nhạc khí gõ của Peru, và chúng tôi sử dụng những nhịp điệu mà các bạn không bao giờ nghe đến trong dân ca truyền thống Nhật Bản. Đó là lý do mà nhạc của chúng tôi thường được cho là không chính thống.

Chúng tôi tiếp tục chơi theo truyền thống cũ, nhưng nếu chúng tôi không đưa vào những yếu tố mới thì giới trẻ sẽ không quan tâm đến loại nhạc này. Nhất định khán giả sẽ thích những gì chúng tôi đang làm". Thực tế năm 2001 họ đã đoạt giải Album hay nhất trong năm (album Soulful) ở thể loại nhạc truyền thống Nhật Bản trong giải Đĩa vàng lần thứ 15 tại Nhật. Trước sự cổ vũ nồng nhiệt của khán giả, trung bình họ trình diễn 10 đợt một tháng - 120 đến 130 đợt một năm trên khắp nước Nhật và ở nước ngoài.

Những nhạc công trẻ tiếp tục những truyền thống cũ. Lịch sử của các nhạc cụ và nghệ thuật trình diễn đã có từ lâu đời, các nghệ sĩ trẻ có nhiều cách ứng xử và trình diễn khác nhau. Nhưng họ đều có chung một con đường là tiếp tục làm cho mạch ngầm của văn hóa truyền thống chảy trong lòng dân tộc.