Truyện Cổ Dân Gian Việt Nam

 

Văn hiến Việt Nam xưa và nay

 

 

Xây dựng một nước văn hiến, đó là đặc điểm lịch sử của dân tộc ta, là hướng phấn đấu và niềm tự hào của các thế hệ con Lạc, cháu Hồng. Xưa nay, những quân xâm lược bao giờ cũng nhân danh một nền văn hiến nhất định để kéo quân đi xâm chiếm đất đai, tàn phá làng mạc và nô dịch nhân dân nước khác, chúng đã gây ra biết bao tang tóc đau thương. Văn hiến chỉ là cái vỏ bên ngoài của biết bao hành vi hung tàn, bạo ngược.

Đối với chúng ta, văn hiến là một trạng thái phát triển nhất định của một dân tộc, nói lên xu hướng luôn khắc phục tình trạng, nguyên do để vươn tới cuộc sống ngày một cao đẹp. Văn hiến đánh dấu trình độ con người đã đạt được trong quá trình sáng tạo, trinh phục thiên nhiên, nhưng không chỉ có thế, văn hiến còn thể hiện mối quan hệ tốt đẹp giữa người và người, thể hiện ở trình độ thẩm mỹ, trình độ nhận thức và cư sử của con người đối với thế giới xung quanh và đối với bản thân mình.

Ngay từ buổi bình minh của lịch sử dân tộc, cha ông ta đã chứng minh sức sống vĩ đại của mình trong môi trường đầy gian nan thử thách của thiên tai, địch hoạ. Vững vàng và lành mạnh, nhân dân ta lớn lên trong bão táp, cải tạo thiên nhiên, xây dựng đời sống xã hội, phát triển trí tuệ và tài năng, tạo ra những giá trị cao đẹp và hài hoà trong cuộc sống. Những di vật thời Hùng Vương đã chứng tỏ rằng cha ông ta thời ấy không chỉ tiến hành những ngành nghề thiết yếu đối với nhu cầu ăn, mặc, ở, mà còn phát triển rất nhiều ngành nghề phục vụ cho chiến đấu, sản xuất và mở mang đất nước. Chúng ta đầy lòng tự hào trước những mũi tên bằng đồng, lưỡi cày bằng sắt bên cạnh những dụng cụ khác của đất nước Văn Lang. Vào thời kỳ ấy, những dụng cụ gia đình, những đồ dùng trang sức và lối kiến trúc nhà cửa đã chứng minh một cuộc sống tươi vui, phong phú... Sự phát triển rất sớm nghề đóng thuyền cũng nói lên nhu cầu giao lưu của nhân dân ta và sự gắn bó các miền trên mảnh đất thống nhất.

Con người bao giờ cũng phải qua lao động để bộc lộ tài năng, phẩm chất. Mới đầu, sản phẩm lao động của con người chỉ mang tính chất thực dụng. Những hòn đá, cái gậy đầu tiên chỉ phục vụ cho săn bắn nhằm kiếm được cái ăn cho khỏi đói, mảnh da thú để che thân, những hang động hay những cành cây để che nắng che mưa chỉ để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, tính chất thẩm mỹ chưa xuất hiện. Dần dần, khi nhận thức thẩm mỹ của con người xuất hiện, những sản phẩm của lao động như đồ gốm, đồ dùng bằng gỗ, bằng đá đã được chú ý gọt rũa, sửa sang. Việc chế tạo các công cụ hàng ngày đã dần được phát triển nhanh chóng và phong phú. Những sản phẩm được chế tạo ra ngày một nhiều, không những tiện dụng mà còn đẹp đẽ. Từ những chiếc nồi, mâm, bình... tất cả đều được chú ý trong quá trình tạo dáng, truyền thống trên được duy trì và phát triển mãi mãi, dù sống trong cảnh nghèo nàn, thiếu thốn, cha ông ta vẫn tìm mọi cách đưa cái đẹp vào cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, cha ông ta không thể để lại những công trình kiến trúc to lớn do chiến tranh liên miên kéo dài suốt mấy nghìn năm đã thường xuyên phá mọi lâu đài nhà cửa, cộng với nhiều yếu tố khác đã khiến cho những tài năng về kiến trúc bị hạn chế trong những công trình của đình chùa, đền miếu, ở sự bố cục khéo léo, hài hoà đường nét và màu sắc...

Xuyên suốt mấy ngàn năm lịch sử chủ nghĩa yêu nước, ý trí quật cường của dân tộc Việt Nam đã không ngừng được phát triển qua các thử thách. Trước Nguyễn Trãi gần năm trăm năm, Lý Thường Kiệt đã khẳng định nền văn hiến của dân tộc ta qua bài thơ hùng tráng "Nam quốc sơn hà Nam đế cư". Đến Nguyễn Trãi với "Đại cáo bình Ngô" được coi như một áng thiên cổ hùng văn nói lên khí phách anh hùng và tâm hồn cao đẹp của dân tộc Việt Nam. Sau Nguyễn Trãi gần năm trăm năm, Ngô Thì Nhậm lại một lần nữa đầy niềm tự hào nói lên nền văn hiến của Việt Nam trước sự khoe khoang của thế lực ngoại bang rằng: "Tôi nhớ Chu Tử có một câu rất hay là "Phương Nam có nền văn hiến của Phương Nam", và tôi lấy làm vinh dự được sinh ra ở Phương Nam". Bốn nghìn năm lịch sử là bốn nghìn năm liên tục gìn giữ bờ cõi, vừa chống thiên tai, vừa chống địch họa. Vì bờ cõi gắn liền với máu thịt của chúng ta cho nên nó luôn luôn thôi thúc hành động, phát triển tài năng, và đòi hỏi sáng tạo. Lối sống lâu đời của dân tộc ta là tình yêu thương chân thành, là sự gắn bó chặt chẽ "thương người như thể thương thân", là giúp đỡ lẫn nhau, lúc hoạn nạn thì "nhường cơm xẻ áo". Nhưng cũng thật kiên quyết, quật cường trước bọn phản động, ngoại bang. Tuy nhiên chiến tranh cũng chỉ là bất đắc dĩ, còn hoà bình bao giờ cũng là nguyện vọng sâu sắc của người dân Việt Nam. Khi có giặc thì rùa vàng cũng hiện lên để dâng kiếm cho anh hùng, nhưng khi hết giặc thì kiếm lại trả cho hồ.

"Rốt cục, lấy đại nghĩa để thắng hung tàn
Lấy chí nhân mà thay cường bạo".

Sức mạnh của nhân dân ta bắt nguồn từ đó. Nền văn hiến lâu đời ấy đã giúp cho ông cha ta nối đời xây dựng đất nước, khiến cho các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần "Sánh cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi đằng làm đế một phương". Chính nền văn hiến đó đã khiến cho đất nước ta:

"Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau
Mà hào kiệt không bao giờ thiếu".