Truyện Cổ Dân Gian Việt Nam

 

Hoa văn trên kiến trúc cổ truyền

 

 

Những làng quê của Việt Nam không phải lúc nào cũng yên ả như vẻ vốn có của nó, bởi ở đó còn có những mối quan hệ làng xóm, cộng đồng, gắn với những sinh hoạt văn hoá của những cư dân trồng lúa nước. Những người con của nước Việt hôm nay đang sinh sống ở mảnh đất thân yêu, hay đang ở một phương trời nào đó họ vẫn nghĩ về lễ hội mà ở nơi đó còn hiện hữu bóng dáng của những ngôi đền, ngôi chùa đã đi vào tiềm thức của người Việt. Không phải ngẫu nhiên mà trên hoa văn của kiến trúc cổ truyền lại có hình ảnh của lễ hội, của các sinh hoạt văn hoá, của các nhân vật, hay của các loài hoa cao quí mà tất cả đều có nguồn gốc sâu xa của nó.

Những mái đình, mái chùa xưa luôn dàn trải theo không gian với thế đất và thế nước như muốn ôm chọn, muốn ấp ủ những làng quê yên ả của Việt Nam. Theo thời gian, nhiều công trình kiến trúc cổ xưa vẫn là đề tài nghiên cứu của các nhà sử học, các kiến trúc sư và các nhà văn hoá. Một trong những đề tài nghiên cứu đó là việc tìm hiểu các mô típ, các hoa văn trên kiến trúc cổ xưa. Theo sự đánh gía của các nhà nghiên cứu thì hoa văn trên kiến trúc biểu hiện nhiều khía cạnh khác nhau về lịch sử về niên đại về văn hoá của người Việt qua bao nhiêu triều đại, ở mỗi thời kỳ ở mỗi một công trình kiến trúc thì hoa văn được khắc hoạ theo những mô típ khác nhau mà không có ngôi chùa nào giống nhau cả. Những hoa văn những hoạ tiết đã tạo nên những nét văn hoá và những sắc màu trong kiến trúc mà chỉ có các nhà khoa học mới lý giải được điều này.

Theo thời gian thì hoa văn trên kiến trúc cũng có nhiều thay đổi, những hoa văn được cách điệu nhịp nhàng đã làm cho phần kết cấu bên trong của di tích mềm mại hơn. Người Việt xưa luôn thích sự dàn trải trong không gian kiến trúc, vì thế dẫn tới xu hướng phát triển chiều rộng mà không vươn tới chiều cao đó cũng là cách gửi gắm những khát vọng của những cư dân trồng lúa nước xưa kia. Hoa văn trên kiến trúc, đôi khi chỉ là những nét chấm phá rất mộc mạc nhưng cũng rất hình tượng. Một hình ảnh vẫn thường thấy trong các ngôi đình, ngôi chùa ở Việt Nam đó là hình ảnh các con vật gác cửa cho Đức Phật mà người ta vẫn quen gọi đó là sự kiểm soát tâm hồn của những kẻ hành hương, đó là các linh vật như: rồng, lân, quy, phượng và các con vật khác như các con giáp. Hình ảnh các con vật như thỏ đang dạo chơi, trâu đang thong thả trong thế nhàn rỗi cũng đã tạo nên những nét trạm khắc khá đặc biệt trong kiến trúc. Một hình ảnh vẫn thường thấy trong kiến trúc cổ đó là hình ảnh con cá chép tượng trưng cho vinh hoa phú quý. Hoa văn trên kiến trúc luôn định hình và được nối giữa các họa tiết, các mảng màu khác nhau, cũng là hoa văn hình hoa nhưng bản thân bông hoa cũng ở trong những thế khác nhau, khi thì chúm chím lúc thì toả hương vươn mình trong thế đứng. Còn những con vật trạm khắc nổi trên xà ngang, trên cột là biểu tượng của sức mạnh để chiến thắng và chinh phục thiên nhiên, chính điều đó đã làm cho kết cấu của kiến trúc vững chắc hơn, ví dụ như con rồng, lúc thì ngậm ngọc, lúc thì kết hoa có đôi khi nó lại cõng trên mình những con vật khác.

Chùa Tây Phương là một trong những ngôi chùa cổ nổi tiếng về nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc cổ Việt Nam. Những hoa văn trên mái chùa được uốn cong và trạm trổ một cách khéo léo, tỷ mỷ đã chứng tỏ bàn tay của những người thợ Việt và óc thẩm mỹ của họ. Những hoa văn hình xoắn độc đáo như hình tam giác, hình trái tim được xắt mỏng tạo thành những chuỗi, những móc xích đan kết vào nhau như muốn ấp ủ, muốn nối kết tấm lòng của những người con đất Việt luôn đoàn kết một lòng, những cột đỡ vững chắc trên vòm mái cũng điểm kết những hoa văn nổi, làm cho ngôi chùa vừa có vẻ vững chắc nhưng cũng tạo được những nét mềm mại cho lối kiến trúc độc đáo này. Những hoa văn chủ yếu được trạm khắc ở đây là hình hoa cúc, hình lá cây và những hoa văn này được dàn trải sang hai bên của toà nhà.

Nét độc đáo trong kiến trúc chùa tây Phương nói riêng và các ngôi chùa cổ ở Việt Nam nói chung, là cách bài trí nhuần nhuyễn lối kiến trúc không gian và tạo hình rất gần gũi với cư dân Đông Nam á. Người ta cũng sử dụng các mảng hoa văn một cách hợp lý theo nguyên tắc từ trái qua phải, ở bên trên qua bên dưới. Cách bài trí kiến trúc trong chùa cũng tuân thủ theo một nguyên tắc nhất định mà các nhà nghiên cứu lý giải đó là đó là sự kết hợp một cách rất lô gíc, ví dụ như khi người ta nhìn thấy hoa văn hình xoắn một cách tự nhiên rồi tiếp đến là hoa văn hình dáng của các loài hoa, các hình lá cây ở dưới những bông hoa, sau đó là hoa văn hình quả ở trên những cột đỡ. Kiến trúc cổ truyền Việt Nam với những mảng trạm khắc tỷ mỷ đã cho chúng ta biết di tích được xây dựng năm nào, gắn với triều đại nào, hơn thế nữa mang lại những giá trị về văn hoá, có thể nói kiến trúc cổ truyền của người Việt rất gần gũi và thân thuộc với đời sống tâm linh của những người nông dân. Xưa kia thì những ngôi đình ngôi chùa bao giờ cũng là nơi tụ họp là nơi nghỉ ngơi của dân chúng, còn ngày nay thì những công trình kiến trúc cổ này đã giúp cho các thế hệ con cháu hiểu hơn về văn hoá cũng như lịch sử của dân tộc ta. Kiến trúc cổ truyền vừa có ý nghĩa về lịch sử vừa mang trong mình nó những giá trị nghệ thuật về kiến trúc.

Một trong không nhiều ngôi đình làng sớm nhất nước ta hiện còn là đình Tây Đằng một di tích đạt giá trị cao về văn hoá nhất là lĩnh vực nghệ thuật trạm khắc, người ta có thể tìm thấy ở đây một nhịp thở của xã hội đương thời hồi thế kỷ XVI, những biểu tượng gần cuộc sống tâm linh, những ước vọng và những hình ảnh rất đời thường. Có thể nói nghệ thuật trạm khắc thời kỳ này đã đạt đến đỉnh cao, người ta dễ dàng nhận ra những hoa văn có hình tượng con người được gắn với những sinh hoạt văn hoá của những cư dân người Việt xưa. Đình Tây Đằng cũng như một số công trình kiến trúc cổ truyền nước ta đã mở đầu cho một truyền thống trong bước đi của xã hội và lịch sử kiến trúc Việt Nam, những công trình đó đã phản ánh rõ nét về bản sắc văn hoá dân tộc và những giá trị về lịch sử. Kiến trúc cổ truyền với những hoa văn họa tiết đặc sắc được trạm khắc trên chất liệu gỗ đã phản ánh lịch sử và nét văn hoá qua mỗi thời kỳ, không gian của tổng thể di tích đã làm cho kiến trúc tôn giáo này không chỉ đặc sắc mà còn gợi mở về những ngôi nhà xưa của đồng bằng Bắc Bộ. Hoa văn trên kiến trúc cổ truyền vẫn còn đó trong lịch sử và vẫn mãi là kho tàng kiến trúc của dân tộc ta.