Truyện Cổ Dân Gian Việt Nam

 

Gốm thời đại Hùng Vương

 

 
 

Phần lớn các dụng cụ gốm đã xuất hiện cách ngày nay khoảng sáu, bảy nghìn năm. Các nhà khảo cổ gọi thời gian đó là thời kỳ đồ đá mới. Còn các nhà sử học gọi đó là giai đoạn công xã thị tộc. Nhưng đến thời đại đồng thau (cách đây khoảng bốn, năm nghìn năm), dụng cụ gốm mang nhiều tên mới, chẳng hạn có nồi miệng loe vai tròn đáy tròn, nồi miệng loe vai tròn đáy bằng, nồi đáy bằng vai có gờ cao, nồi miệng loe gãy vai có góc,... có vò miệng loe, vò vai gãy có tai, vò có chân, vò đáy lồi, vò đáy bằng,... Có các loại cốc chân cao, bát chân cao, bát chân thấp, bình miệng loe hình lẵng hoa, v.v... Tiến thêm một bước, gốm thời kỳ này có thêm bộ mặt mới là loại đồ đựng có nắp đậy để bảo quản ngũ cốc, chống loài gặm nhấm.

Về tạo dáng, gốm văn hóa Phùng Nguyên dáng thanh, thành mỏng và thường phát triển chiều cao; gồm Đồng Đậu dáng lùn do phần thân được mở rộng. Nếu như trong nền văn hóa Gò Mun có loại nồi miệng gãy loa bằng, vò vai gãy có tai thì trong nền văn hóa Đông Sơn có những loại hình đơn giản hơn, không có xu hướng tạo thành góc gãy nữa.

Nhìn chung, hình dạng gốm thời đại đồng thau đẹp hơn, vững chắc và khỏe hơn so với gốm thời đại đồ đá mới.

Trong thời đại đồ đá mới, ông cha ta chưa biết dùng bàn xoay để nặn gốm như trong thời đại đồng thau. Phương pháp dùng bàn xoay để làm gốm đóng vai trò chủ yếu trong thời đại đồng thau. Đó là một cải tiến về kỹ thuật rất quan trọng của ông cha ta trong quá trình lao động sản xuất. Khi con người biết dùng bàn xoay thì chẳng những năng suất lao động tăng nhanh mà phẩm chất đồ gốm cũng tốt hơn, đẹp hơn, độ dày mỏng thành gốm đều nhau. Ưu điểm nổi bật của bàn xoay là có thể tạo ra những đồ gốm có kích thước lớn nhưng thành gốm rất mỏng.

Chất liệu gốm trong thời đại đồng thau không thuần nhất, có nơi dùng đất sét pha cát hạt to, có nơi pha cát hạt nhỏ, lại có nơi pha bã thực vật. Tuy vậy, pha chất độn thế nào đó để khi nặn xong đem phơi gốm không bị nứt, đem nung gốm không bị méo mó biến dạng và khi nung xong gốm được rắn, bền; pha thế nào để mặt gốm không thô mà mịn. Mịn là một tiêu chuẩn đẹp của gốm. Muốn đạt những điều kiện pha trộn trên, ông cha ta phải trải qua một quá trình lao động sáng tạo, dày công tích lũy kinh nghiệm.

Nhìn chung, màu sắc gốm thời đại đồng thau khá phong phú: gốm màu trắng mốc, gốm màu vàng, vàng nhạt, gốm màu đỏ nâu, đỏ nhạt và màu đen, v.v... Thậm chí, ngay một dụng cụ gốm cũng có nhiều màu, có chỗ màu đỏ nâu, có chỗ màu xám đen. Màu sắc của gốm phụ thuộc vào chất độn, cách nung và còn do độ nung quyết định nữa. Ngoài ra, con người đã sử dụng một thứ bột màu xoa hoặc rắc lên mặt gốm còn ướt để tạo ra màu sắc vừa ý họ. Gốm Phùng Nguyên có xương màu đen, mặt gốm hoặc màu đỏ hoặc màu đen, gốm Đông Sơn khoác "chiếc áo" hoặc hồng nhạt hoặc xám tro. Còn gốm Gò Mun vẫn giữ cái vẻ mộc mạc tự nhiên của đất.

Hầu hết gốm thời đại đồng thau đều được nung với mức độ khác nhau. Gốm Phùng Nguyên độ nung thấp hơn gốm Đồng Đậu; gốm Đông Sơn độ nhiệt nung cao hơn gốm Gò Mun. Tuy vậy, độ nhiệt nung gốm ở thời đại đồng thau không vượt quá 900oC.

Nói đến gốm không thể không nói đến hoa văn. Vì nó là một tiêu chuẩn về cái đẹp, là dấu ấn quan trọng để phân biệt gốm của nền văn hóa này và gốm của nền văn hóa kia. Bằng một chiếc que, cũng có thể là cọng rơm, cọng cỏ, người xưa vạch trên mặt gốm những nét cong uyển chuyển, mềm mại, những đường chìm sắc sảo. Tất cả những đường nét đó phối hợp với nhau một cách hài hòa, sinh động.

Người nghệ sĩ gốm, vốn ưa cái đẹp, giàu óc tưởng tượng đã trang trí trên cổ, miệng, thân gốm, nhiều đồ án hoa văn tinh tế mà ngày nay nhiều nhà khảo cổ phải mất nhiều tâm trí để tìm hiểu ý nghĩa của nó. Nhìn chung, hoa văn gốm trong thời kỳ này rất phong phú: văn chấm tròn viền hai bên những đường ngang dọc, văn hình tam giác, hình thoi, văn các đường gãy khúc liên hoàn, văn hình ô vuông, hình quả trám, văn chữ S, văn chữ V nối nhau, văn chữ C, chữ X, văn hình mỏ neo, hình giun, hình lá cây, văn khuôn nhạc, văn hình chim, hình cá v.v...

Nhìn riêng từng giai đoạn thì hoa văn gốm Phùng Nguyên, gốm Gò Mun có xu hướng phát triển, mở rộng nhiều đồ án. Còn hoa văn gốm Đông Sơn, có xu hướng đơn giản hóa, chỉ phác họa vài đường nét sóng nước ở miệng và ở cổ thôi. Một số đồ án được coi là đặc trưng của gốm Phùng Nguyên như văn chữ S, chữ C, văn hình mỏ neo... không thấy xuất hiện ở gốm Gò Mun.

Chung quanh vấn đề hoa văn, mỗi người giải thích theo một cách hiểu riêng của mình, chẳng hạn có người cho rằng hoa văn chữ S tượng trưng cho sấm chớp; hoa văn vạch thẳng song song, vạch xiên chéo tượng trưng những hạt mưa nhiệt đới, hoa văn hình tam giác tượng trưng cho núi đồi; hoa văn hình vuông, hình quả trám tượng trưng cho ruộng, ao, đầm, v.v...

Thực ra, nếu tìm một hình ảnh nào đó trong cuộc sống để giải thích ý nghĩa hoa văn trên mặt gốm như trên thì e không chính xác. Hoa văn là những "trang trí đường viền" cho đẹp mắt, thấy nó giống hình học gọi là hình học, thấy nó giống khuôn nhạc gọi là khuôn nhạc, chứ lúc bấy giờ ở nước ta có môn hình học, môn âm nhạc mới đâu để người xưa phản ánh trên mặt gốm?

Những hoa văn chữ S, văn hình tam giác, văn chấm tròn, v.v... trang trí trên đồ gốm được lặp đi lặp lại nhiều lần trên trống đồng Ngọc Lũ, trống đồng Hoàng Hạ, Thạp đồng Đào Thịnh gợi cho chúng ta một ý niệm giữa kỹ thuật đồ gốm và kỹ thuật đồ đồng ở Việt Nam cùng xuất hiện trong thời đại đồng thau và chủ nhân của nó là người dân bản địa. Các học giả phương tây, với ý đồ xuyên tạc lịch sử dân tộc ta, nói rằng giữa kỹ thuật đồ gốm và kỹ thuật đồ đồng ở Việt Nam khác nhau về thời đại.

Tóm lại, khi các dân tộc trên thế giới biết sáng tạo đồ gốm để sử dụng thì dân tộc ta cũng đã sáng tạo ra đồ gốm. Đồ gốm là cái mốc đánh dấu một chuyển biến rất quan trọng trong lịch sử tiến hóa nhân loại: con người đã từ giã cuộc sống lang thang hái lượm, săn bắt của bầy người nguyên thủy để sống định cư, trồng trọt và chăn nuôi.

Ơở nước ta, những mảnh gốm được xuất hiện nhiều nhất trong nền văn hóa Bắc Sơn tức là cách ngày nay khoảng 6000 - 2000 năm trước công nguyên.

Trải qua một quá trình lao động sáng tạo lâu dài, ông cha ta không ngừng cải tiến, nâng cao làm cho ngành gốm Việt Nam nổi tiếng trên thế giới.

 

Nam Sơn